Tiki quảng cáo trên xe bịt bùng: Vì sao dẹp không nổi?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 19/01/2021 14:40

Như Tạp chí GTVT phản ánh, gần một năm nay, trên các tuyến phố tại Hà Nội, xuất hiện tình trạng các xe khách cỡ lớn được dán kín bưng bằng đề can chạy lòng vòng các tuyến phố vào giờ cao điểm. Các xe này chủ yếu nhằm mục tiêu quảng cáo, không hề chở khách. Hành vi này được xác định là vi phạm pháp luật về quảng cáo, pháp luật về an toàn giao thông.

20210119_110145
Hai xe ô tô mang biển số 89B-006.96 và 29B-201.28 dán quảng cáo cho sàn thương mại điện tử Tiki nối đuôi nhau diễu hành trên các tuyến phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Quang Trung (Hai Bà Trưng). Mặc dù các tuyến đường này luôn có sự túc trực của lực lượng CSGT, tuy nhiên những chiếc xe này vẫn không bị kiểm tra, xử lý - Ảnh: PV

Trong các doanh nghiệp vi phạm, sàn thương mại điện tử Tiki có lượng xe vi phạm lớn nhất.

Sau khi Tạp chí GTVT phản ánh, cách đây gần hai tháng, đại diện đơn vị này hứa sẽ chấm dứt hành vi này. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này lại không thực hiện đúng cam kết. Ngoài ra, xe quảng cáo cho sàn thương mại này đã bị xử lý vài trường hợp nhưng đến nay vẫn thách thức cơ quan chức năng. Thậm chí, vi phạm càng tái diễn với mức độ cao hơn khi cho các xe nối đuôi nhau, chạy trên phố vào giờ cao điểm.

Cụ thể, ngày 19/1, theo ghi nhận của phóng viên trên một số tuyến đường của Hà Nội như Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Phố Huế, Bà Triệu (Hai Bà Trưng), Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng (Đống Đa), Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ (Ba Đình) xuất hiện những đoàn xe khách loại 16 chỗ và 45 chỗ phủ kín decal quảng cáo của sàn thương mại điện tử Tiki, ngang nhiên di chuyển với tốc độ "rùa bò" diễu hành trên đường. 

Các xe này lần lượt mang biển kiểm soát 29B-057.72, 29B-201.28, 89B-006.96...

Thời gian di chuyển của những chiếc xe này là khung giờ từ 7h-9h. Đây là khoảng thời gian cao điểm giao thông tại Thủ đô khi mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn nhất trong ngày.

Một Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, việc dùng decal quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe đã uy hiếp an toàn giao thông đối với người và phương tiện tham gia giao thông, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, việc vô hiệu hóa gương chiếu hậu đặt trong xe, thay đổi đặc tính kỹ thuật kính xe ôtô, đồng thời hạn chế khả năng thoát hiểm của những người trong xe khi xảy ra sự cố.

DSC08184
 
DSC08183
Ngoài các xe loại 16 chỗ, quảng cáo của thương hiệu Tiki còn được phủ kín trên các xe 45 chỗ, chạy lòng vòng qua nhiều tuyến phố trung tâm trong giờ cao điểm gây ùn tắc giao thông - Ảnh: PV

“Bởi các xe quảng cáo dán kín kính phía sau sẽ che tầm quan sát của gương chiếu hậu, việc quảng cáo trên kính sẽ hạn chế tầm nhìn, khiến cho hành khách phía trong không quan sát, phán đoán được tình hình phía ngoài xe để có phản ứng phù hợp. Đặc biệt, khi xe ôtô xảy ra tai nạn, nếu chất liệu quảng cáo không đảm bảo, hành khách sẽ không thể đập vỡ kính để thoát hiểm. Việc dán quảng cáo toàn bộ xe cũng vi phạm quy định về việc tự ý thay đổi màu sơn xe”, vị này nhấn mạnh.

Còn ở góc độ thương hiệu, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng bộ môn PR, quảng cáo, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, cho rằng: “Quảng cáo trên phương tiện giao thông là hình thức quảng cáo mới xuất hiện tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn. Ưu điểm của loại hình này là bắt mắt, thu hút mọi người chú ý. Tuy nhiên, để thương hiệu chiếm được cảm tình của công chúng, thì hoạt động này cần phải tuân thủ đúng các quy định về ATGT cũng như luật quảng cáo”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng đặt ra vấn đề về hoạt động quảng cáo của sàn thương mại điện tử Tiki. "Không thể nói Tiki không biết đến việc sản phẩm của mình được xuất hiện trên phương tiện này. Nếu biết mà vẫn cố tình để hình ảnh quảng cáo làm phiền người khác thì doanh nghiệp đã lựa chọn cách truyền thông thiếu khôn ngoan. Đối với hoạt động quảng cáo, cần tiếp cận công chúng bằng một hình thức ấn tượng nhưng lịch sự, thay vì phô tất cả để đập vào mắt người xem", PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Về quy định trong hoạt động quảng cáo đối với loại hình này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật), việc thông tin quảng cáo trên xe ôtô đã được quy định cụ thể trong Luật quảng cáo. Cụ thể, các xe không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện; sản phẩm không vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt được phép quảng cáo…

DSC08190
Các xe này vô tư di chuyển phố cấm, thậm chí di chuyển với tốc độ rùa bò - Ảnh: PV

Ngoài ra, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như: Che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe. 

Luật sư Bình cũng cho biết, theo khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là đối với hành vi tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.

Nghị định 100 cũng quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không đúng với giấy đăng ký xe.

Trước tình trạng xe khách dán decal quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe và hoạt động khắp các tuyến phố ở Hà Nội vào giờ cao điểm, Uỷ ban ATGT Quốc gia mới đây đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Ban ATGT Hà Nội chỉ đạo lực lượng chức năng của thành phố phối hợp xác minh nội dung phản ánh trên, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, rà soát chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ôtô theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông an toàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận