Tìm giải pháp chuẩn hóa hệ thống và hoạt động đăng kiểm

Tiêu điểm tháng 13/03/2023 11:32

Từ tháng 12/2022, sau khi xảy ra “Sự cố đăng kiểm”, lãnh đạo Bộ GTVT luôn sát sao, kịp thời chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động đăng kiểm và định hướng giải pháp lâu dài.


Tìm giải pháp chuẩn hóa hệ thống và hoạt động đăng kiểm - Ảnh 1.

Bên trong nhà xưởng kiểm định tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội

Khắc phục ùn tắc kiểm định, ổn định hệ thống

Sau khi xảy ra những vi phạm nghiêm trọng dẫn đến việc cán bộ của một số trung tâm đăng kiểm và Cục Đăng kiểm Việt Nam bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam phục vụ công tác điều tra (từ tháng 12/2022), hoạt động đăng kiểm xe cơ giới tại một số địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội bị xáo trộn.

Thời điểm trên, TP. Hồ Chí Minh có 10/19 trung tâm, Hà Nội có 10/30 trung tâm đăng kiểm (chưa kể 1 trung tâm bị dừng do không đáp ứng quy định về phòng cháy, chữa cháy) dừng hoạt động, lại thêm rơi vào thời gian cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán nên xảy ra tình trạng dồn ứ, ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm. Việc nhiều trung tâm đăng kiểm liên tiếp bị khám xét để điều tra sai phạm khiến tâm lý của cán bộ, đăng kiểm viên hoang mang, không dám làm, thậm chí tự nghỉ việc vì sợ mắc sai phạm.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, trước tình hình trên, Ban Cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ GTVT đã tiến hành nhiều buổi làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam, chỉ đạo rõ ràng, cụ thể đội ngũ đăng kiểm ổn định tư tưởng, nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động kiểm định, phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh chỉ đạo trực tiếp, tại hội nghị đăng kiểm vào tháng 01/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn chia sẻ, các khuyết điểm của đăng kiểm đã được nhìn nhận ra, lực lượng đăng kiểm nên vững tâm công tác, không nên dao động "ngó nghiêng". Bởi nếu làm vì dân, vì nước, không tham nhũng, tiêu cực, không sai phạm thì không ai bị bắt bớ cả.

"Cán bộ hư hỏng thì phải xử lý, còn chúng ta phải tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho. Chúng ta đã nhìn ra khuyết điểm của mình thì phải tập trung lãnh đạo, tập trung vào công việc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Nhằm giải quyết các vấn đề "nóng", Bộ GTVT kiến nghị Bộ Công an xem xét, có ý kiến với công an các địa phương rà soát, cho phép trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động được mở cửa trở lại (nếu không ảnh hưởng đến công tác điều tra) nhằm đáp ứng nhu cầu đăng kiểm trong dịp cao điểm. Đồng thời, Bộ chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có kế hoạch, sắp xếp nhân lực, thiết bị máy móc đảm bảo đáp ứng ngay khi các trung tâm đăng kiểm được phép hoạt động trở lại.

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được áp dụng cơ chế tuyển nhân lực theo cơ chế hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 111/2022 của Chính phủ, cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức (theo quy định cần tối thiểu 60 ngày) để gấp rút bổ sung số lượng nhân lực bị thiếu hụt tại các đơn vị đăng kiểm thuộc Cục.

Về phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị cũng đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, sở GTVT, cơ quan liên quan ở các địa phương cho phép tái sử dụng các đơn vị đăng kiểm tạm thời bị dừng hoạt động để giải quyết vấn đề người dân phải đi đăng kiểm ở nơi xa, xếp hàng chờ đợi.

Ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng điều hành Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng, Cục tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là duy trì hoạt động trung tâm đăng kiểm để đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của người dân, doanh nghiệp, tiếp theo là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tìm ra nguyên nhân "gốc rễ", xử lý nghiêm minh, phòng ngừa các hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.

Các địa phương có vai trò, trách nhiệm rất lớn trong vấn đề đăng kiểm. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ phân cấp, phân quyền cho các địa phương, song hành là siết chặt thanh tra, kiểm tra, đồng thời tăng cường các giải pháp liên quan tới con người, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Để đáp ứng nhu cầu kiểm định, giải tỏa ùn tắc đăng kiểm trong giai đoạn cao điểm cuối và đầu năm 2023 (dịp trước và sau Tết Nguyên đán), Cục Đăng kiểm Việt Nam liên tục tổ chức họp trực tuyến, ban hành văn bản hướng dẫn, động viên các đơn vị đăng kiểm triển khai công việc ở mức độ cao nhất như làm thêm giờ, ngày nghỉ; hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm định để tránh gây bức xúc cho chủ phương tiện.

Sau những chỉ đạo "nóng" của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nỗ lực khôi phục trở lại hoạt động 6 trung tâm đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trực thuộc Cục sau vài tuần bị tạm dừng hoạt động. Để các trung tâm này trở lại hoạt động, Cục thực hiện điều động lãnh đạo, đăng kiểm viên từ các trung tâm, bổ sung máy tính, thiết bị; đánh giá hiệu chuẩn dây chuyền kiểm định... tới các đơn vị bị tạm dừng. Có trường hợp ở địa phương chỉ có 1 trung tâm đăng kiểm nhưng bị tạm dừng (như tại Hòa Bình), Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa điều động người của đơn vị thuộc Cục, vừa vận động người của trung tâm đăng kiểm xã hội hóa để có đủ nhân lực khôi phục hoạt động đăng kiểm tại trung tâm đó; tổ chức làm việc ban đêm, ngày nghỉ, xuyên Tết, ứng dụng công nghệ để khách hàng đặt lịch đăng kiểm...

"Mặc dù phải dừng hoạt động 31 trung tâm đăng kiểm trong tháng 01/2023, nhưng với số lượng phương tiện được đăng kiểm tăng mạnh minh chứng rằng những người làm công tác đăng kiểm đã thể hiện rất tốt trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm của mình", ông Hải nói thêm và khẳng định, điều này đã tạo hình ảnh tích cực của người làm đăng kiểm, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá sau sự việc vừa qua.

Định hướng giải pháp lâu dài

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, qua vụ việc xảy ra tại lĩnh vực đăng kiểm vừa qua nổi lên 4 vấn đề lớn nhất: xây dựng thể chế hay ban hành các quy định liên quan đến đăng kiểm, cụ thể là Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới); vấn đề con người, cơ sở vật chất và tổ chức thực hiện...

Định hướng giải quyết những vấn đề bất cập mang tính hệ thống, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các đơn vị tham mưu của Bộ GTVT tổng kiểm tra, rà soát công tác đăng kiểm ở tất các lĩnh vực từ đường thủy, hàng hải, đường sắt... Cụ thể, sẽ đánh giá lại thực trạng của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tập trung nghiên cứu, đề xuất tách bạch chức năng quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động đăng kiểm theo hướng Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ làm công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm.

"Trong lĩnh vực đăng kiểm đường bộ, ngay lập tức Cục Đăng kiểm Việt Nam trình sửa đổi ngay Nghị định số 139/2018/NĐ-CP trên cơ sở những tồn tại vừa qua cơ quan điều tra Bộ công an chỉ ra. Quá trình nghiên cứu sửa đổi phải trao đổi lại với các địa phương, bộ, ngành... để điều chỉnh chặt chẽ, phù hợp. Cùng với đó, đi đôi với phân cấp, phân quyền là thanh tra, kiểm tra, phân định rõ trách nhiệm của sở GTVT địa phương trong kiểm tra, xử lý vi phạm", Bộ trưởng chỉ đạo.

Đề cập vấn đề trên, ông Nguyễn Vũ Hải cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã và đang rà soát lại các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm. Trong đó, sẽ đề xuất một số nội dung cần sửa đổi như: liên quan công tác đánh giá thành lập trung tâm đăng kiểm; công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động định kỳ đơn vị đăng kiểm; công tác kiểm định xe cơ giới; tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra, xử phạt của lực lượng thanh tra, CSGT trong hoạt động kiểm định; tăng cường phân cấp quản lý cho các cơ quan địa phương.

Bên cạnh đó, đề xuất miễn kiểm định lần đầu cho xe mới; phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô chính hãng thực hiện công tác kiểm định cho xe cơ giới; triển khai công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực đăng kiểm viên; xây dựng chế độ, chính sách phù hợp hơn với đăng kiểm viên và nhân viên đơn vị đăng kiểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận