Tìm nguyên nhân "căn bệnh" TNGT đặc biệt nghiêm trọng

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 12/10/2017 10:37

Trong 9 tháng đầu năm TNGT giảm 966 vụ TNGT ( -6,24%), số người chết giảm 330 người (-5,11%), số người bị thương giảm 1.810 người (-13,35%). Tuy nhiên vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Vậy nguyên nhân do đâu?

DSC_2734 E
Trong 9 tháng đầu năm, với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT đã giảm mạnh mẽ cả 3 tiêu chí trên 5%.

TNGT giảm cả 3 tiêu chí

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 14.346 vụ TNGT, làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người. So với cùng kỳ 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 966 vụ (giảm 6,24%), số người chết giảm 330 người (giảm 5,11%), số người bị thương giảm 1.810 người (giảm 13,35%).

Trong đó, TNGT Đường bộ xảy ra 14.157 vụ, làm chết 5.979 người, bị thương 11.737 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 876 vụ (-5,78%), giảm 284 người chết (-4,53%), giảm 1.761 người bị thương (-15,12%). Có 51 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 166 người, bị thương 144 người.

Phân tích nguyên nhân TNGT đường bộ cho thấy, nguyên nhân dẫn đến TNGT nhiều nhất xuất phát do người điều khiển phương tiện vi phạm phần đường, làn đường, chiếm 24,86%. Các nguyên nhân khác như: vi phạm tốc độ quy định (9,94%); chuyển hướng không chú ý (9,25%); vượt xe sai quy định (6,02%), vi phạm quy trình, thao tác lái xe (6,29%); không nhường đường (6,51%); vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện (2,07%); do tránh xe (2,04%); do vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có giấy phép lái xe, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, do người đi bộ, do công trình giao thông và nguyên nhân khác là 33,02%.

Cũng theo phân tích của Ủy ban ATGT Quốc gia, 84,04% số vụ TNGT xảy ra đối với nam giới, 15,96% đối với nữ. Về độ tuổi, có 6,59% số vụ TNGT xảy ra đối với người dưới 18 tuổi; 33% nạn nhân có độ tuổi từ 18 đến 27 tuổi; 48,13% nạn nhân từ 27 đến 55 tuổi và 12,28% nạn nhân trên 55 tuổi. Về thời gian, có 10,39% từ 0h đến 6h; 18,52% sau 6h đến 12h; 32,02% sau 12h đến 18h; 39,07% sau 18h đến 24h.

16427342_1239958636041195_8566914141380591397_n
Tai nạn đường ngang hàng năm đang gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đối với lĩnh vực Đường sắt, trong 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 113 vụ TNGT đường sắt, làm chết 98 người, bị thương 33 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 72 vụ (-29,39%), giảm 28 người chết (-20,44%), giảm 58 người bị thương (-40,56%). Trong đó có 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 9 người, bị thương 9 người.

Nguyên nhân xảy ra TNGT đường sắt thời gian qua xuất phát chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường dân sinh, chiếm tới  69,81%. Ngoài ra, có 15,09% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ nằm, ngồi trên đường sắt; 8,18% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang có phòng vệ bằng cảnh báo tự động; 6,29% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ đi qua đường ngang có biển báo; 0,63% do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi qua đường ngang có người gác.

ct273082-1
Trên 57% số TNGT Đường thủy nội địa xảy ra do phương tiện tránh va, vượt không đúng quy định.

Đối với lĩnh vực Đường thuỷ nội địa, toàn quốc đã xảy ra 76 vụ, làm chết 36 người, bị thương 15 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 18 vụ (giảm 19,56%), giảm 18 người chết (giảm 31%), tăng 09 người bị thương (tăng 150%). Trong đó có 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 13 người, bị thương 17 người.

Trong đó, 57,33% số vụ TNGT ĐTNĐ có nguyên nhân xuất phát từ phương tiện tránh, vượt không đúng quy định; 12% do phương tiện đâm va vào chướng ngại vật; 12% do vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện; 9,33% do vi phạm quy định về điều khiển phương tiện; 9,33% do nguyên nhân khác.

Lĩnh vực Hàng hải xảy ra 16 vụ, làm chết 12 người, bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 02 vụ (tăng 14,29%), tăng 9 người chết (tăng 300%) và tăng 01 người bị thương. Lĩnh vực Hàng không an toàn tuyệt đối, không xảy ra tai nạn.

Vẫn còn 58 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

Cũng theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm cả nước đã xảy ra 58 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 188 người chết, bị thương 170 người. Điển hình như: 02 vụ TNGT đường sắt tại khu gian Lăng Cô – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) ngày 20/2 làm 03 người chết, 02 người bị thương và tại Bình Định ngày 24/4 làm 04 người chết, 02 người bị thương; 01 vụ TNGT hàng hải tại Vũng Tàu ngày 28/3 làm chết 09 người; vụ TNGT giữa xe khách và xe tải tại Gia Lai ngày 7/5 làm 13 người chết, 35 người bị thương; 4 vụ giữa 2 xe khách làm 16 người chết, 38 người bị thương (tại Kon Tum ngày 30/6 làm 04 người chết, 10 người bị thương; trên QL1A Bình Thuận ngày 19/7 làm 3 người chết, 16 người bị thương; tại Long An ngày 30/8 làm 2 người chết, 5 người bị thương; ngày 2/10 tại Tây Ninh làm 7 người chết, 7 người bị thương); 03 vụ TNGT đường thuỷ tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Bạc Liêu, mỗi vụ chết 3 người.

tai-nan-1506909186096-1506909205263-1016
Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 14 người thương vong xảy ra tại Tây Ninh ngày 02/10 tại Tây Ninh.

Theo báo cáo sơ bộ của Công an các địa phương, nguyên nhân ban đầu dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ từ đầu năm đến nay, đa phần liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải mà đặc biệt là xe ô tô tải, một phần liên quan đến xe máy. Các vụ tai nạn giao thông phần lớn đều do lái xe vi phạm quy định TTATGT như vi phạm tốc độ, lấn đường, kỹ năng lái xe kém. Các vụ tai nạn này thường xảy ra trên các tuyến quốc lộ nơi có đông phương tiện qua lại và trên các tuyến đường đèo dốc, nơi có địa hình hiểm trở, quanh co, tầm nhìn hạn chế và trên đường trong khu đô thị. Phần lớn các nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến xe máy và xe kinh doanh vận tải, nhiều nạn nhân có tuổi đời còn trẻ và đa phần ở các vùng nông thôn.

Về TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định ATGT khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh. Hiện vẫn tồn tại 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới TNGT đường sắt.

Về TNGT Đường thuỷ nội địa: các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xuất phát do việc sử dụng phương tiện gia dụng không bảo đảm chất lượng, không có dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận