Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019. Ảnh: Quang Hiếu. |
TNGT giảm toàn diện trên mức 7%
Chiều ngày 22/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/6/2019, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ TNGT, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. So với 6 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT giảm 641 vụ (-7,1%), số người chết giảm 311 người (-7,55%), số người bị thương giảm 679 người (-9,65%).
Trong đó, có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018 và 11 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018. Đồng thời đã xảy ra 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người, gây bức xúc dư luận xã hội.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm là thời gian tập trung nhiều đợt cao điểm về TTATGT, đặc biệt, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2019, nghỉ lễ 30/4, 1/5, cũng như có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tạo áp lực rất lớn cho công tác bảo đảm TTAGT.
“Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể chính trị xã hội và địa phương, các giải pháp đảm bảo TTATGT đã được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Từ đó, tình hình TTATGT tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực” Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng khẳng định.
Minh chứng rõ nét nhất thể hiện cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc bảo đảm an toàn cho người dân chính là TNGT đã giảm mạnh cả 03 tiêu chí, giảm sâu nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Đồng thời, dịch vụ vận tải cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm.
Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý
Trước những tín hiệu tốt này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các cơ quan hữu quan trong công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt là ngành GTVT, ngành Công an và ngành Y tế. Tuy nhiên Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đảm bảo ATGT là công việc hết sức quan trọng để xã hội được bình yên hơn, giảm đau khổ cho người dân. Dù TNGT đã kéo mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm nay cũng như được kéo giảm liên tục trong nhiều năm qua, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 8 nghìn người thiệt mạng và 15 nghìn người bị thương mỗi năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các cơ quan hữu quan trong công tác đảm bảo TTATGT. Ảnh: Quang Hiếu. |
Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng vào thực tiễn, Thủ tướng chỉ rõ, mặc dù kết quả đạt được là rất nổi bật, nhưng TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vẫn còn xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên. Tình hình TTATGT trên các tuyến vận tải ven biển cũng diễn biến ngày càng phức tạp với sự gia tăng nhanh chóng của đội tàu sông pha biển; tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh, gây mất TTATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định; Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới “điểm đen” tại cơ quan đào tạo, kiểm tra, đăng kiểm. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan phải hết sức chú ý và xử lý nghiêm vi phạm bởi đây là những yếu tố nguy hiểm hơn điểm đen TNGT trên đường.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đảm bảo TTATGT trên đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải, bởi sự tăng trưởng mạnh của du lịch cũng đang tạo ra áp lực lớn cho công tác đảm bảo ATGT cho du khách.
Trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như: Bộ GTVT khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông Đường bộ 2008; Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mạnh khung xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về ATGT.
Trong đó, Nghị định thay thế Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cần phải được chú trọng hoàn thiện sớm; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý vận tải thay cho phương thức quản lý truyền thống.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.