Nhật Bản phối hợp phát triển vận tải công cộng tại Hà Nội

Tác giả: Thanh Thanh

saosaosaosaosao
11/07/2019 07:14

Là quốc gia có 45% dân số sử dụng vận tải công cộng, Nhật Bản hợp tác phổ biến kinh nghiệm giúp giao thông công cộng Hà Nội phát triển bền vững.

30_saue
Khẩu hiệu "Xe buýt nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy" trước đây đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện tại. 

Ngày 10/7, Sở GTVT Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Michinori Holdings, Tổng công ty Vận tải Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác phổ biến kinh nghiệm vận hành – quản lý vận tải xe buýt” do JICA cùng Tập đoàn Michinori Holdings thực hiện tại TP Hà Nội.

Mục tiêu của Hội thảo là chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến quản lý và phát triển mạng lưới giao thông công cộng, giảm các vấn đề xã hội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng tính tiện lợi và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Góp phần cải thiện tích cực và hiệu quả hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội nói riêng và giao thông công cộng tại Hà Nội nói chung.

Theo đại diện Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông – Du lịch Nhật Bản, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ và cải thiện hệ thống vận tải công cộng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, lượng cá nhân trong đó xe máy chiếm phần lớn là nguyên nhân dẫn tới những áp lực kìm hãm sự phát triển của vận tải công cộng. Còn theo đại diện Tập đoàn Michinori Holdings, tại Nhật, tỷ lệ người dân sử dụng vận tải công cộng chiếm 45% vì tính tiện lợi, kinh tế cao hơn xe cá nhân.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông và Du Lịch Nhật Bản đã chia sẻ các biện pháp và chính sách thúc đẩy, duy trì sự phát triển bền vững của giao thông công cộng tại Nhật Bản. Trong đó có Luật và các chính sách liên quan đến tái cơ cấu mạng lưới giao thông công cộng, tạo nền tảng cho người dân, người sử dụng phương tiện công cộng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp vận tải,… Đồng thời giới thiệu các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến hướng đến thành phố thông minh, giao thông thông minh mà Chính phủ Nhật Bản đứng ra phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện.

Điển hình trong đó là việc phổ cập dịch vụ giao thông thông minh (MaaS), xây dựng kho dữ liệu mở (open-data), các công nghệ sẽ là công cụ giúp tăng hiệu quả của giao thông công cộng, tăng tính tiện dụng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. 

DSC08518
Hội thảo với chủ đề “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản” nằm trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác phổ biến kinh nghiệm vận hành – quản lý vận tải xe buýt” do JICA cùng Tập đoàn Michinori Holdings thực hiện tại TP Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tăng trưởng vận tải công cộng đang không như mong muốn. Trong 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng hành khách chưa đến 1% so với năm ngoái. Để phát triển tích cực vận tải công cộng, thì cần vượt qua thách thức về đầu tư phương tiện, cải thiện chất lượng,…

Theo ông Nguyễn Công Nhật - Phó Tổng giám đốc Transerco, hiện nay, xe buýt chạy trung bình khoảng 14-15km/giờ dẫn đến thời gian chuyến đi và tính đúng giờ bị ảnh hưởng rất nhiều do ảnh hưởng của lượng xe cá nhân phát triển nhanh chóng (8-10%) và hạ tầng giao thông chưa thể theo kịp sự gia tăng phương tiện dẫn đến xe buýt cũng phải chôn chân vào giờ cao điểm.

Một trong những giải pháp giải quyết những thách thức của hiện trạng vận tải công cộng đó là quy hoạch mạng lưới của Nhà nước đảm bảo sự tiện lợi đi kèm với người dân (tần suất phù hợp, bố trí điểm bãi gửi xe ở các nhà chờ do quãng đường từ nhà đến điểm chờ xa, từ ngõ ra đường…). Doanh nghiệp buýt dù quan tâm mục tiêu xã hội và cộng đồng nhưng không thể bỏ qua mục tiêu lợi nhuận, không thể cưỡng bức nguồn lực của họ để phát triển thuần túy.

“Khẩu hiệu xe buýt nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy trước đây đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện tại khi các yếu tố ùn tắc, hạ tầng giao thông chưa thể nâng cao, xe công nghệ nở rộ đã dẫn đến sụt giảm hành khách đi xe buýt thời gian qua”, ông Nhật khẳng định.

Trong buổi Hội thảo, các chuyên gia gia đến từ Nhật Bản đã cùng thảo luận với các cơ quan hữu quan và các chuyên gia của Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp xây dựng hạ tầng giao thông công cộng giúp thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và cải thiện chất lượng giao thông công cộng. Đồng thời giới thiệu cách bố trí, thiết kế các đầu mối trung chuyển giao thông ("transport"), các làn đường ưu tiên, giúp giảm ùn tắc, tạo không gian giao thông thông thoáng, tiện dụng, tiết kiệm thời gian đi lại cho tất cả các thành phần tham gia giao thông.

Ý kiến của bạn

Bình luận