TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/01/2022 10:50

TNGT năm qua giảm sâu cả 3 tiêu chí: số vụ, người chết và bị thương nhưng công tác đảm bảo TTATGT còn nhiều thách thức.

A7_09398
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT 2021 tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ

Cần quyết liệt hơn nữa

Sáng nay (6/1), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2021.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, trong năm 2021, tình hình TTATGT tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thành quả tốt, thể hiện rõ nét nỗ lực, cố gắng của cả thệ thống chính trị, các tỉnh thành và lực lượng chức năng.

A7_09387
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, TTATGT đạt nhiều thành quả tốt, thể hiện rõ nét nỗ lực, cố gắng của cả thệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân khách quan giúp giảm TNGT trong năm qua, đặc biệt là từ tháng 6 là việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều địa phương dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2020.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, TNGT có thể còn được kéo giảm sâu hơn nữa và mức độ vi phạm TTATGT có chiều hướng tăng lên, nhất là trong giai đoạn bình thường mới.

Trước những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo TTATGT và để hoàn thành tốt hơn nữa, đạt kết quả tích cực hơn nữa trong năm 2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn nữa tới công tác đảm bảo TTATGT. Phó Thủ tướng lưu ý các thành phố lớn cần thiết phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

A7_09373
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho ông Nguyễn Trọng Thái - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tổ quốc.

Mức độ giảm TNGT chưa tương xứng

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong năm qua, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, giảm 3.496 vụ (-23,32%), giảm 1.068 người chết (-15,55%), giảm 3.143 người bị thương (-28,16%).

Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 04 tỉnh có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020, 02 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình.

A7_09413
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng báo cáo tại hội nghị

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, trong năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: mức độ giảm TNGT chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; tình hình vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa tại một số địa phương; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương.

Nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế này là do một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về TTATGT, không ít người cố tình vi phạm, cá biệt có đối tượng manh động tấn công, chống người thi hành công vụ; nguồn lực dành cho công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, nguyên nhân chủ quan là cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong kết hợp công tác bảo đảm TTATGT với phòng, chống dịch COVID-19, một số địa phương buông lỏng trong kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế; hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chậm xây dựng và thiếu sự chia sẻ, kết nối về cơ sở dữ liệu ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo đảm TTATGT và quản lý hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách.

Ý kiến của bạn

Bình luận