Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm tài xế dương tính với ma túy và doanh nghiệp chủ quản |
Số người tử vong do TNGT giảm gần 10%
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong những tháng đầu năm 2019, dù là thời điểm diễn biến TTATGT phức tạp nhất trong năm nhưng đã có những tín hiệu rất đáng mừng. TNGT trong hai tháng đầu năm nay tiếp đà kéo giảm, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương đều giảm mạnh, đảm bảo đúng mục tiêu giảm từ 5 - 10%.
Cụ thể, tính từ ngày 16/12/2018 đến 15/02/2019, toàn quốc xảy ra 2.822 vụ TNGT, làm chết 1.356 người, bị thương 2.169 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 523 vụ (-15,64%), số người chết giảm 150 người (-9,96%), số người bị thương giảm 348 người (-13,83%).
Trong 9 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình hình TTATGT trên toàn quốc được duy trì ổn định, bình quân TNGT/ngày giảm cả 3 tiêu chí so với kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, không xảy ra TNGT đường thủy, hạn chế UTGT kéo dài trên các tuyến trục chính ra, vào TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính; năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết.
Về tổng thể, tình hình TNGT đã giảm mạnh và là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng vẫn xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình nhất là vụ xe container đâm 25 xe đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhật, huyện Bến Lức, tỉnh Long An khiến 4 người chết và 18 người bị thương nặng ngày 02/01. Vụ việc còn chưa lắng xuống thì dư luận xã hội tiếp tục bàng hoàng khi một chiếc xe tải đâm vào đoàn người đi bộ ven đường khiến 8 người chết và 5 người bị thương vào ngày 21/01 tại km76+400 trên QL5, đoạn qua xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Hai vụ TNGT trên đã dấy lên hồi chuông “báo động đỏ” về vấn nạn tài xế sử dụng ma túy và hàng loạt vụ TNGT khác trong những ngày đầu năm cùng nguyên nhân tài xế có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Theo số liệu thống kê của ngành Y tế tại một số địa phương, khoảng 60% nạn nhân TNGT là người điều khiển phương tiện vào cấp cứu tại bệnh viện được chỉ định kiểm tra có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn.
Trước những diễn biến phức tạp này, các cơ quan chức năng đã tiến hành hàng loạt cuộc thanh kiểm tra, tổng kiểm tra trên phạm vi rộng nhằm kiểm soát chặt chẽ và xử lý “mạnh tay” đối với tài xế và doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật.
Nỗ lực giảm TNGT hiệu quả trước áp lực ngày càng lớn
Lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm TTATGT |
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, nhu cầu vận tải và sự gia tăng mạnh mẽ của lượng phương tiện tạo nên áp lực rất lớn đối với công tác đảm bảo TTATGT, nhất là khi ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số lượng hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT còn cao, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn.
“Với những áp lực ngày càng lớn nhưng TNGT liên tục được kéo giảm toàn diện là minh chứng cụ thể cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị cũng như sự chung tay góp sức của toàn xã hội vào cuộc chiến kéo giảm TNGT”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, một số tồn tại lớn hiện nay đó là sự hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn ngoài đô thị; chưa đủ lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát. Mặt khác, lực lượng chức năng còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị; vai trò, chức năng của lực lượng Công an xã còn chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; vai trò của các cơ quan thành viên ban ATGT cấp tỉnh, huyện ở một số nơi còn mờ nhạt, ít tham gia, ít phối hợp, phó mặc cho ngành GTVT và Công an.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, tại một số địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, liên tục, dẫn đến xuất hiện dấu hiệu vi phạm quy định về bảo đảm TTATGT ở một số lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe… Cùng với đó, công tác phối hợp liên ngành ở một số nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa đạt hiệu quả cao, điển hình như trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý xe hết niên hạn sử dụng.
Một trong những giải pháp cấp bách được Bộ GTVT đề ra là tập trung hoàn thành theo tiến độ, bảo đảm chất lượng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt; hoàn thiện Đề án “Xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để đảm bảo ATGT đường sắt trên tuyến đường sắt quốc gia…
Trong hai tháng đầu năm 2019, Bộ GTVT đang chỉ đạo triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong đó, Tổng cục ĐBVN, các cục chuyên ngành và thanh tra các sở GTVT đã thực hiện tổng số hơn 14 nghìn cuộc thanh, kiểm tra; quyết định xử phạt trên 10 nghìn vụ vi phạm, với số tiền xử phạt hơn 39 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 68 bến và 50 phương tiện thủy nội địa...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.