Toàn cảnh khủng hoảng kinh tế Venezuela

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 21/08/2018 15:38

Từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin với dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới, Venezuela giờ quay cuồng trong lạm phát phi mã và thiếu thốn.

8-6913-1534741376_fjkz

Những thực phẩm đắt đỏ như thịt có giá tới 9,5 triệu bolivar mỗi kg. Ảnh: Reuters

Nhiều năm đối mặt với lạm phát ngày càng tăng tốc, giới chức Venezuela cuối năm ngoái nghĩ ra cách phát hành tiền mệnh giá lớn hơn. Sau đó vài tháng, họ cho biết sẽ bỏ 3 số 0 trên tờ tiền. Khi chừng đó dường như vẫn chưa đủ, cuối tháng 7, Venezuela tuyên bố sẽ xóa tới 5 số 0.

Các biện pháp này đã khiến những người Venezuela như Yosmar Nowak - chủ một quán cà phê tại thủ đô Caracas tin rằng chính phủ đã hết cách. Và họ thậm chí chẳng thể hạ được giá một cốc cà phê - vốn đã lên đến 2 triệu bolivar.

“Cứ tưởng tượng nếu mọi chuyện tiếp tục thế này, đến tháng 12, chúng ta sẽ phải làm điều tương tự”, Nowak nói. Năm nay, bà đã phải nâng giá đồ uống 40 lần.

Xóa bớt số 0 trong đồng bolivar hiện tại là trụ cột trong nhóm chính sách cải tổ kinh tế mà Tổng thống Nicolas Maduro muốn thực hiện, nhằm vực dậy nền kinh tế đã nhiều năm chìm trong khủng hoảng. Lạm phát Venezuela năm nay đã lên hơn 32.700%, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ví với Đức năm 1923 và Zimbabwe cuối những năm 2000. Cuối năm nay, con số này được dự báo lên tới 1 triệu phần trăm.  

Tiền mới có tên “sovereign bolívar”, sẽ lưu thông từ hôm nay (20/8). Trong thông báo cuối tuần trước, Venezuela còn công bố hàng loạt chính sách khác, như tăng lương tối thiểu tháng lần thứ 5 trong năm, neo nội tệ vào đồng petro - tiền ảo do nước này phát hành, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và giá xăng (vốn được trợ cấp mạnh tay), việc kiểm soát tiền tệ (vốn khiến người Venezuela không thể tiếp cận đồng đôla nhiều năm qua) cũng sẽ được nới lỏng.

bolivar-3532-1534741376_pckd

Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro giới thiệu tiền mới trong cuộc họp tháng 7. Ảnh:Reuters

 

 

Tuy nhiên, những thay đổi này không đủ thuyết phục các nhà kinh tế học. Họ đã theo sát các động thái của ông Maduro thời gian qua và cho rằng tiền mới chỉ là chương tiếp theo trong hàng thập kỷ quản lý kinh tế sai lầm đang hủy hoại quốc gia dầu mỏ này.

Venezuela từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin và cũng là nước có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Khi ấy, dầu mỏ được xem là "giếng tiền" vô tận của quốc gia này. Tuy nhiên, giá dầu giảm và sai lầm trong quản lý kinh tế trong nhiều năm đã khiến họ chìm vào khủng hoảng từ năm 2014. Cuộc khủng hoảng khiến Venezuela không thể duy trì hệ thống trợ giá và kiểm soát giá cả như trước đây. Hệ quả là lạm phát ngày càng tăng tốc, nội tệ mất giá và tình trạng thiếu nhu yếu phẩm diễn ra tràn lan.

“Xóa số 0 chỉ giải quyết được hình thức thôi”, Steve Hanke - nhà kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins nhận xét, “Điều này chẳng có ý nghĩa gì, trừ phi anh thay đổi chính sách kinh tế”.

Ông Maduro đang giải quyết tình trạng mà các nhà kinh tế học gọi là “vấn đề xe cút kít” khi lạm phát phi mã. Đây là thời điểm tiền tệ trở nên mất giá đến mức để mua hàng, người ta cần đến cả xe tiền.

Tiền mới có thể giúp giá cốc cà phê tại cửa hàng của bà Nowak giảm xuống. Tuy nhiên, chẳng mấy người cho rằng nó có thể giữ được lâu. “Chúng tôi sợ là lương tối thiểu sẽ tăng và lạm phát dĩ nhiên cũng sẽ cao lên. Thứ Hai chúng tôi sẽ không mở cửa đâu”, bà nói.

Vấn đề của Venezuela không nằm ở những số 0, mà là ở nguyên nhân khiến chúng xuất hiện. Chính phủ Venezuela phụ thuộc vào nguồn thu từ công ty dầu mỏ quốc doanh để trả nợ. Tuy nhiên, quản lý sai lầm đã khiến sản xuất tại đây chỉ còn 1,2 triệu thùng một ngày trong tháng 7 - bằng với mức hàng tháng năm 1947.

Đối mặt với sự thiếu hụt này, Chính phủ Venezuela đề nghị Ngân hàng Trung ương in thêm tiền. Việc này tuy có thể giúp họ thanh toán nhiều khoản trong ngắn hạn, nó lại khiến những người nắm giữ đồng bolivar chịu thiệt. Dư cung tiền cũng khiến giá trị đồng bolivar lao dốc.

Tổng thống Maduro thì đổ lỗi cho các đối thủ và các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nền kinh tế Venezuela sụp đổ. Đồng thời, thái độ kém thân thiện của ông với các doanh nghiệp nước ngoài cũng tạo nên một cuộc di cư tập thể. Hàng loạt công ty lớn, như Pepsi, General Motors, United Airlines đều đã dừng hoạt động tại quốc gia này. 

Không chỉ doanh nghiệp, hàng trăm nghìn người Venezuela cũng đang rời bỏ nước này, do không thể chịu được cuộc sống thiếu thốn nhu yếu phẩm, kể cả tại thủ đô Caracas. Nền nông nghiệp của Venezuela quá yếu do thời gian dài phụ thuộc vào nhập khẩu. Giờ đây, giá dầu lao dốc và thiếu hụt USD khiến họ chẳng mấy khi có hàng hóa mà dùng. Không chỉ thiếu lương thực, dược phẩm, người dân Venezuela nhiều khi còn không có điện, gas và nước sinh hoạt.

Và sau khi đổi tiền, họ còn đối mặt với một vấn đề nữa, là chia mọi thứ cho 100.000. Các nhà kinh tế học cho rằng, thông thường việc đổi tiền diễn ra với quy mô 10, 1.000 hay 1.000.000 để dễ tính toán.

“Tôi đang khá bối rối”, Edwin García - một công nhân xây dựng ở Caracas đang nhẩm tính thu nhập hiện tại của mình là bao nhiêu. Rất nhiều cửa hàng thì chọn cách niêm yết bằng đôla cho đơn giản.

Một điều khác khiến người ta lo ngại về tiền mới của Venezuela, là nó được đảm bảo bằng thứ gì. Thông thường, các chính phủ cam kết nội tệ có thể đổi lấy một đồng khác mạnh hơn, như đôla Mỹ hay euro. Trái lại, ông Maduro tuyên bố bolivar mới sẽ được bảo đảm bằng petro - tiền ảo nước này phát hành từ tháng 2. Và bản thân đồng petro lại được bảo đảm bằng dự trữ dầu mỏ của Venezuela.

Đây là điều khiến giới kinh tế e ngại. Do sản xuất dầu mỏ của nước này hiện chỉ để trả nợ cho Nga và Trung Quốc. “Họ đang neo nội tệ vào một tài sản chẳng ai muốn”, Daniel Lansberg-Rodríguez - biên tập viên tại tờ El Nacional (Venezuela) nhận xét.

Kế hoạch tăng giá nhiên liệu của ông Maduro cũng bị nghi ngờ. Người Venezuela hiện chỉ phải trả một khoản rất nhỏ khi mua xăng, gần như thấp nhất thế giới. Ông Maduro cho biết sẽ tiếp tục trợ giá cho những người đăng ký xe và một loại chứng minh thư với chính phủ. Còn những người không đăng ký sẽ phải trả theo giá quốc tế.

Tại các trạm xăng ở Caracas, nhiều người còn nghi ngờ kế hoạch này hơn. Alejandro Bolívar - một giám sát viên tại ngoại ô El Hatillo cho biết chưa có người nào của chính phủ đến đây chỉnh lại máy móc theo tiền mới hoặc giải thích cho họ cách kiểm tra chứng minh thư của người mua.

Các nhà kinh tế học thì cho rằng nếu muốn kiềm chế lạm phát phi mã, Venezuela cần phải ngừng in tiền. Hanke nhớ lại trường hợp tương tự tại Nam Tư trước đây. Ông là người cố vấn cho nước này đến năm 1991.

Dù Hanke phản đối việc đổi tiền, nước này vẫn tiếp tục bỏ 4 số 0 năm 1990. Chính phủ kế tiếp của Yugoslavia bỏ thêm 2 số 0 nữa năm 1992, rồi 6 số vào tháng 10/1993, 9 số vào tháng 12 cùng năm. Sang đầu năm 1994, họ tiếp tục xóa 7 số 0. Với siêu lạm phát 313 triệu phần trăm mỗi tháng, việc in tiền bao nhiêu cũng là không đủ.

“Đây là việc bất khả thi”, Hanke kết luận.

Ý kiến của bạn

Bình luận