Giải ngân cao hơn bình quân cả nước
Theo thống kê của Vụ Kế hoạch đầu tư (KH-ĐT), Bộ GTVT, tính đến hết tháng 8/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 22.094 tỷ đồng, đạt 51,18% kế hoạch đã giao chi tiết (không bao gồm 2.171 tỷ đồng mới giao bổ sung cho 3 dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
Mức giải ngân này đồng thời đạt 43,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.638/4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 54,1% và 19.456/45.451 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 42,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao).
"Mặc dù kết quả giải ngân hết tháng 8/2022 cao hơn dự kiến kết quả giải ngân bình quân của các bộ, cơ quan trung ương (32,36%) và bình quân chung cả nước (39,15%) nhưng chậm so với kế hoạch các chủ đầu tư đã đăng ký khoảng 1.124 tỷ đồng và so với cùng kỳ năm 2021 (52%)", ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng Vụ KHĐT cho hay.
Năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN tổng số 50.328 tỷ đồng; gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.
Đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng số 45.343 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; còn lại 4.985 tỷ đồng vốn trong nước chưa phân bổ kế hoạch, Bộ GTVT dự kiến bố trí cho 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện.
Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (đợt 3) cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn cho dự án này.
Cần giải ngân hơn 28.000 tỷ từ nay đến cuối năm
Phó Vụ trưởng Lưu Quang Thìn cho biết, theo đăng ký kế hoạch giải ngân của các chủ đầu tư, ban QLDA, trong tháng 9/2022 cần giải ngân 5.718 tỷ đồng (gồm 4.594 tỷ đồng theo kế hoạch đăng ký và 1.124 tỷ đồng chậm kế hoạch); dự kiến lũy kế giải ngân hết tháng 9/2022 khoảng 27.812 tỷ đồng, đạt 55,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để giải ngân 100% kế hoạch năm của Thủ tướng Chính phủ giao, từ nay tới cuối năm, Bộ GTVT cần giải ngân khoảng 28.234 tỷ đồng (56,7%).
Từ nay cuối năm 2022, khối lượng giải ngân kế hoạch còn lại rất lớn (bình quân phải giải ngân khoảng 5.600 tỷ đồng/tháng), trong khi mùa mưa bão đang đến gần, sẽ là thách thức rất lớn để hoàn thành kế hoạch. Để bảo đảm giải ngân hết kế hoạch được Thủ tướng chính phủ giao, Vụ KHĐT đề nghị thủ trưởng các đơn vị phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn.
Đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như: các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án đường sắt cấp bách, Tân Vạn - Nhơn Trạch, tuyến tránh Long Xuyên, Kết nối Tây Nguyên, Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyến tránh QL1A qua Cà Mau, Tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình,...
Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết cho tất cả các dự án khởi công mới; kế hoạch phải cụ thể theo các mốc tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, mốc tiến độ thực hiện đầu tư và bao gồm dự kiến nhu cầu sử dụng vốn năm 2022 tương ứng với các mốc tiến độ, sớm trình lãnh đạo Bộ chấp thuận, để làm cơ sở đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện với từng dự án và điều hành tổng thể kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân cho các công tác GPMB theo kế hoạch đã đề ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.