Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc thay thế Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành về Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử về Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua, đồng thời rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong “Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” (gồm 45 điều), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung 15 tội danh mới thuộc các lĩnh vực kinh tế, quy định cụ thể từ Điều 212 đến Điều 225 và các Điều 230 và 233 của Dự thảo luật để tránh bỏ lọt tội phạm.
Trong đó, Điều 220 của Bộ luật quy định về Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi (vi phạm về quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư; tư vấn, thiết kế chương trình, dự án); gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1đến 5 năm.
Người phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi, có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.
Còn người phạm tội gây thiệt hại 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều kiện để tội tham nhũng thoát án tử
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vẫn giữ án tử hình đối với tội tham nhũng cũng như các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Tuy nhiên, Bộ luật cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người từ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Với các trường hợp trên thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân. Bộ luật cũng quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi khi phạm tội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.