Khống chế trường hợp chống đối lực lượng 141 thi hành nhiệm vụ. (Ảnh: Hà Nội mới) |
Báo cáo về tình hình tội phạm từ đầu năm đến nay, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết, tình hình chung, tội phạm đã được kiềm chế nhưng một số loại tội phạm lại có tính chất, diễn biến hết sức phức tạp. Trong số đó, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể nhận định là do tội phạm ngày càng manh động hơn, trong khi các hình thức xử lý chưa thực sự tương xứng. Mặt khác, có lúc, có nơi, cán bộ chiến sĩ công an chưa thực sự chấp hành đúng quy trình, điều lệnh công tác, còn những biểu hiện tiêu cực gây bức xúc, kích động...
Thực tế cho thấy, tội phạm "chống người thi hành công vụ" gia tăng trùng với việc lực lượng công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông. Nhiều vụ, đối tượng chống đối có tính chất rất manh động, hung hãn. Có thể kể đến một số vụ việc liên tục xảy ra như vụ ngày 16-8, tổ tuần tra phòng, chống tội phạm ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bị đối tượng dùng súng bắn điện tự chế tấn công làm một đội viên dân phòng bị thương. Trưa 25-8, lái xe taxi Nguyễn Văn Dũng (SN 1984, trú tại Sóc Sơn) điều khiển xe đâm vào CSGT rồi bỏ chạy gây náo loạn nhiều tuyến phố giữa trung tâm Hà Nội. Ngày 13-10, Bùi Ngọc Dương (SN 1977, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), do mâu thuẫn với người thân đã quậy phá tại nhà. Khi CA đến can thiệp, Dương manh động dùng rìu tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Gần đây nhất, ngày 3-11, CATP Lạng Sơn đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Ngọc Khánh (SN 1993, trú ở TP Lạng Sơn) về hành vi "chống người thi hành công vụ". Trước đó 2 ngày, Khánh vi phạm trật tự an toàn giao thông, khi bị xử lý đã lăng mạ, hành hung CSGT...
Qua một số vụ việc có thể thấy, những hành vi đó rõ ràng xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng còn kém. Song về mặt pháp lý, theo lực lượng thực thi công vụ, chế tài xử lý các hành vi "chống người thi hành công vụ" còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hầu hết vụ việc xảy ra chỉ bị xử lý hành chính do "hậu quả" về vật chất không nhiều; sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ chưa bị "ảnh hưởng" rõ ràng. Điều này là chưa hợp lý bởi hành vi "chống người thi hành công vụ" cần phải xử lý nghiêm vì thể hiện sự coi thường pháp luật... Mặt khác, do nhiều yếu tố, chính lực lượng làm nhiệm vụ còn e ngại khi trấn áp đối tượng...
Những nguyên nhân trên không mới, nhưng vì sao chưa được khắc phục. Rõ ràng là do những mức độ nguy hại của những hành vi "chống người thi hành công vụ" chưa được đánh giá đúng mức, dẫn đến việc giải quyết các nguyên nhân cơ bản trên chậm được thực hiện. Về mặt "kỹ thuật", cần sớm bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật, nhất là trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần hoàn thiện hơn nữa về mặt "hình ảnh" để lễ tiết, tác phong không những đúng mực mà còn đẹp, uy nghiêm, thể hiện văn hóa ứng xử tốt..., tránh kích động đối tượng côn đồ, đồng thời được nhân dân giúp đỡ nhiều hơn. Như Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, một trong những nhiệm vụ để xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh là CAND phải tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.