Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump |
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng xây đắp tương lai”, Việt Nam đã chọn 4 ưu tiên cho năm APEC 2017, bao gồm: 1. Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 2. Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; 3. Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và 4 là: Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hợp tác vẫn là xu thế không thể đảo ngược, nhưng hợp tác như thế nào để cùng chia sẻ một tương lai chung, không để ai bị bỏ rơi, bị thiệt thòi - kỳ vọng diễn đàn APEC Đà Nẵng sẽ đưa ra được câu trả lời thỏa đáng nhất.
Đặc biệt khu vực APEC đã trải qua nhiều biến động sâu sắc, đáng chú ý là sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc vào các vấn đề kinh tế quốc tế diễn ra cùng lúc với sự kiện Hoa Kỳ có xu hướng quay về với chủ nghĩa dân tộc kinh tế (American First). Hai đường lối có vẻ đối nghịch nhau này có khả năng sẽ được bộc lộ tại APEC Đà Nẵng và làm phong phú thêm nội dung của hội nghị.
Đến Việt nam dự APEC lần này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có bài phát biểu công bố chiến lược kinh tế của Mỹ tại châu Á mà theo giới phân tích, trọng tâm sẽ là phát triển mạnh hơn nữa các mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương với các đồng minh lâu đời, mà ông gộp chung trong cái gọi là “Ấn-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (free and open Indo-Pacific), cốt lõi là Ấn Độ, Úc và Nhật Bản. Nhà Trắng coi động thái này là cách ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Các nước nhỏ trong APEC có thể sẽ không nhận được sự quan tâm đầy đủ trong chiến lược mới của Hoa Kỳ.
Đến Đà Nẵng chỉ hai tuần sau khi củng cố vị trí lãnh đạo nhiệm kỳ thứ hai tại đại hội Đảng Cộng sản vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhiều lợi thế để quảng bá vai trò mới của Trung Quốc trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (One Belt One Road - OBOR) kết nối các nền kinh tế Á - Âu bằng một mạng lưới hạ tầng giao thông khổng lồ sẽ được xây dựng với sự tài trợ của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Bắc Kinh điều phối. Về phương diện thương mại, hiệp định đa phương RCEP (Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, bao gồm 10 thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand) do Trung Quốc làm nòng cốt cũng đã qua nhiều vòng đàm phán tích cực và có thể có bước đột phá tại hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sẽ diễn ra tại Manila, Philippines ngay sau tuần lễ APEC Đà Nẵng. Đóng vai trò hạt nhân ở cả RCEP và OBOR, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm kinh tế - thương mại khu vực, ảnh hưởng to lớn đến tất cả các nền kinh tế thành viên APEC ở bờ bên này Thái Bình Dương. Từ khi Hoa Kỳ thay đổi lãnh đạo đến nay, ông Tập không giấu tham vọng muốn trở thành người bảo vệ cho hệ thống thương mại tự do toàn cầu và một trật tự thế giới có thời do Mỹ dẫn dắt. Hội nghị APEC Đà Nẵng, với nội dung rất gần với chính sách của Trung Quốc, có thể là một cơ hội để ông Tập nhấn mạnh lại tham vọng đó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Song đường lối “song phương” của Hoa Kỳ tỏ ra chưa cân nhịp trong lúc thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang vận động mạnh theo hướng đa phương và không tỏ ra mặn mòi với ý tưởng đàm phán “tay đôi” với Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn gấp nhiều lần bất kỳ thành viên APEC nào. Trái lại, họ vẫn quyết tâm theo đuổi các thỏa thuận đa phương nhằm hướng tới một hệ thống thương mại “bao trùm” (inclusive) một tương lai chung (shared future) như chủ đề của APEC năm nay. Quan điểm đó được bộc lộ đầy đủ trong phát biểu tại Washington mới đây của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để khởi động những cuộc đàm phán thương mại mới, đầy tham vọng [với Hoa Kỳ]. Tôi nghĩ, [chính phủ của ông Trump] tin rằng, các bạn lớn hơn bất kỳ đối tác nào và do vậy nếu đàm phán song phương các bạn sẽ có được thỏa thuận tốt nhất. Vì thế, kết quả là, theo tôi, sẽ không có nhiều đối tác sẵn sàng đàm phán song phương với các bạn”, theo trích dẫn của báo Financial Times.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.