Top 12 biện pháp giảm ô tô tại đô thị hiệu quả nhất

Kinh nghiệm phát triển 29/08/2022 15:15

Một nghiên cứu mới đã xếp hạng 12 phương pháp để giảm thiểu lưu lượng ô tô tại các đô thị hiệu quả nhất.


Top 12 biện pháp giảm ô tô tại đô thị hiệu quả nhất - Ảnh 1.

Ùn tắc giao thông nỗi ám ảnh của giao thông đô thị

Không thể phủ nhận ô tô cần thiết cho nhu cầu đi lại và hòa nhập xã hội của mọi người nhưng tại các thành phố, việc lái xe ô tô gây ra tổn thất chi phí xã hội rất cao. Chẳng hạn như ở Copenhagen, ước tính mỗi km đạp xe sẽ mang lại lợi ích cho xã hội khoảng 0,64 euro (15 nghìn đồng); trong khi mỗi km lái xe ô tô sẽ khiến xã hội chịu tổn thất 0,71 euro (16,6 nghìn đồng) khi tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, sức khỏe, TNGT và môi trường. Vì vậy, nếu mỗi km đi ô tô được thay thế bằng xe đạp nó sẽ tạo ra 1,35 euro lợi ích xã hội (31,6 nghìn đồng).

Hiện nay, nhiều sáng kiến hạn chế ô tô đã được thực hiện trên khắp thế giới nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng nào về hiệu quả của chúng. Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Bền vững của Đại học Lund, Thụy Điển đã xếp hạng 12 biện pháp hiệu quả nhất mà các thành phố châu Âu đã áp dụng trong những năm gần đây, dựa trên dữ liệu thực tế về mức độ giảm sử dụng ô tô đo lường được cũng như mức độ chất lượng cuộc sống được cải thiện và môi trường di chuyển bền vững cho người dân.

1. Thu phí tắc đường

Biện pháp hiệu quả nhất được nghiên cứu xác định là yêu cầu các tài xế trả phí để vào trung tâm thành phố, doanh thu sẽ dùng để phát triển giao thông bền vững thay thế. London là thành phố tiên phong chiến lược này tại châu Âu, đã giảm lưu lượng giao thông ở trung tâm thành phố tới 33% kể từ khi áp dụng vào tháng 2/2003. Mức phí cố định (miễn trừ cho một số nhóm đối tượng và phương tiện) tăng lên theo thời gian, từ 5 bảng lên đến 15 bảng (415 nghìn đồng) kể từ tháng 6/2020. 80% doanh thu được đầu tư cho giao thông công cộng.

Các thành phố châu Âu khác cũng áp dụng chính sách tương tự là Milan, Stockholm và Gothenburg, một số nơi thay đổi mức phí theo ngày và giờ.

2. Điều tiết lại bãi đỗ xe và giao thông

Một số thành phố châu Âu đã xóa bỏ bớt chỗ đỗ xe và thay thế bớt các tuyến đường dành riêng cho ô tô thành các tuyến phố cấm ô tô, với làn đường riêng dành cho xe đạp và đi bộ. Ví dụ, Oslo, thủ đô của Na Uy chuyển đổi một số bãi đỗ xe thành phố không ô tô và đường dành cho xe đạp đã giúp giảm mức sử dụng ô tô tới 19%.

3. Khu vực hạn chế giao thông

Rome, một trong những thành phố tắc nghẽn nhất của châu Âu đã dịch chuyển cán cân sang hướng sử dụng nhiều hơn phương tiện giao thông công cộng với quy định chỉ có ô tô của cư dân thành phố hoặc phải trả phí mới được đi vào trung tâm vào những thời điểm nhất định trong ngày. Chính sách này đã giảm 20% lưu lượng ô tô ở thủ đô nước Italia trong thời gian hạn chế và 10% ngay cả trong thời gian không hạn chế khi tất cả ô tô có thể vào trung tâm. Tiền phạt vi phạm được dùng để tài trợ cho hệ thống giao thông công cộng của Rome.

4. Dịch vụ di chuyển cho người đi làm

Đây là chiến dịch cung cấp dịch vụ di chuyển cho người đi làm ở thành phố Utrecht của Hà Lan. Chính quyền địa phương và các công ty tư nhân hợp tác để cung cấp thẻ giao thông công cộng miễn phí cho nhân viên, kết hợp xe buýt hợp đồng đưa đón để kết nối các điểm dừng chuyển tuyến tới nơi làm việc. Chương trình này đã giảm được 37% tỷ lệ người đi xe hơi vào trung tâm thành phố.

5. Thu phí giữ xe tại nơi làm việc

Một biện pháp hữu hiệu khác để giảm số lượng người đi ô tô là áp dụng phí đỗ xe tại nơi làm việc. Ví dụ, một trung tâm y tế lớn ở thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan đã giảm 20-25% số lần đi xe của nhân viên thông qua chính sách thu phí đỗ xe ngoài văn phòng của dân công sở.

Các giải pháp còn lại gồm:

Lên kế hoạch di chuyển đến nơi làm việc, trường đại học hoặc dịch vụ di chuyển đến trường đại học. Chính quyền một số thành phố xây dựng các chương trình khuyến khích vận động người lao động chuyển từ ô tô sang phương tiện công cộng bằng các biện pháp: tổ chức xe buýt đưa đón nhân viên, giảm giá phương tiện công cộng, bổ sung cơ sở hạ tầng cho xe đạp... Một số nơi cung cấp thẻ giao thông công cộng miễn phí và cung cấp kết nối đưa đón đến trường.

Chia sẻ ô tôLên kế hoạch di chuyển đến các trường học bằng cách khuyến khích đi bộ, đi xe đạp hoặc đi chung xe đến trường; Lập kế hoạch di chuyển cho cá nhân bằng cách cung cấp lời khuyên, gợi ý cách thức di chuyển bằng xe đạp, phương tiện công cộng cho người dân; Thiết kế các ứng dụng di động bền vững. Ví dụ, thành phố Bologna của Ý phát triển ứng dụng cho mọi người và các nhóm nhân viên từ các công ty tham gia để theo dõi khả năng đi bộ, đi xe đạp và sử dụng phương tiện công cộng. Người dùng ứng dụng nếu đạt đủ điểm sẽ nhận được phần thưởng do các doanh nghiệp địa phương tài trợ.

Giảm sự lệ thuộc vào ô tô không chỉ là một ý tưởng hay mà còn rất cần thiết cho sự tồn tại của con người. Báo cáo gần đây của IPCC về tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia công nghiệp hóa phải giảm lượng khí thải từ 10-12% mỗi năm, tức là khoảng 1% mỗi tháng. Tuy nhiên, cho đến khi đại dịch xảy ra, lượng khí thải từ phương tiện giao thông ở châu Âu vẫn tăng đều đặn. Nếu không có sự quyết tâm giảm bớt ô tô, cam kết của EU về việc 100 thành phố ở châu Âu đạt mức trung hòa khí hậu vào năm 2030 có vẻ như là một viễn cảnh xa vời.

Ý kiến của bạn

Bình luận