TP. HCM kiến nghị tháo gỡ việc thiếu nguồn cát đắp dự án đường Vành đai 3

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Đường bộ 30/03/2024 10:43

Trước tình trạng dự án đường Vành đai 3 thiếu cát đắp nền, TP. HCM kiến nghị Chính phủ dành một phần trữ lượng cát đắp nền đường từ các mỏ cát các tỉnh miền Tây để cung cấp cho dự án.

Năm 2024 cần hơn 6 triệu m3 cát đắp

Ngày 30/3, UBND TP. HCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường vừa ký văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiến nghị tháo gỡ khó khăn về cát đắp nền đường (cát san lấp) phục vụ dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.

TP. HCM kiến nghị tháo gỡ việc thiếu nguồn cát đắp dự án đường Vành đai 3- Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM cần hơn 9,2 triệu m3 cát đắp nền, trong đó năm 2024 cần hơn 6 triệu m3

Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 cần hơn 9,2 triệu m3 cát đắp nền, trong đó năm 2024 cần hơn 6 triệu m3, năm 2025 cần hơn 2,8 triệu m3 và năm 2026 cần khoảng 0,4 triệu m3 nhưng đang gặp khó về nguồn cung.

Do đó, UBND TP. HCM kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì tổ chức buổi làm việc với Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để điều phối nguồn cát đắp nền đường phục vụ dự án đường Vành đai 3.

UBND TP. HCM đề nghị UBND các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang thống nhất chủ trương dành một phần trữ lượng cát đắp nền đường từ các mỏ cát của tỉnh để cung cấp cho dự án đường Vành đai 3; hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản để kịp thời cung cấp cho dự án vào quý II/2024.

TP. HCM kiến nghị tháo gỡ việc thiếu nguồn cát đắp dự án đường Vành đai 3- Ảnh 2.

Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP. HCM đạt hơn 11% khối lượng

Đối với nguồn vật liệu cát đắp nền đường đã được các địa phương cam kết cấp cho các dự án cao tốc khác (cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...), đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ, rà soát để cân đối chia sẻ một phần khối lượng cho dự án đường Vành đai 3 theo hướng dự án nào tiến độ cấp thiết và nhu cầu tới trước sẽ cung cấp vật liệu trước. Việc này để đảm bảo triển khai đồng bộ các dự án cao tốc theo từng giai đoạn cho phù hợp.

Giải phóng mặt bằng trước 30/4

Về công tác giải phóng mặt bằng, TP. HCM đặt mục tiêu giải phóng toàn bộ mặt bằng dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn Thành phố trước ngày 30/4 để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, tính đến nay, dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn Thành phố đã bàn giao mặt bằng hơn 403 ha (tổng diện tích mặt bằng hơn 410 ha), đạt tỷ lệ 98,2%. Số hộ đã bàn giao mặt bằng là 1.459 hộ trên tổng số 1.679 hộ (đạt tỷ lệ 86,9%).

Về công tác bồi thường, tính đến nay, số tiền đã chi trả bồi thường là hơn 8.065 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 89,8%).

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM, đến thời điểm này, dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đạt hơn 11,3% khối lượng toàn tuyến.

Năm 2024, Thành phố xác định là năm tăng tốc dự án này. Theo đó, Ban QLDA sẽ tập trung đẩy nhanh 6 gói thầu xây lắp chính, đặt mục tiêu hoàn thành 75% khối lượng; năm 2025 cơ bản thông tuyến, năm 2026 hoàn thành toàn dự án.

TP. HCM kiến nghị tháo gỡ việc thiếu nguồn cát đắp dự án đường Vành đai 3- Ảnh 3.

TP. HCM đặt mục tiêu giải phóng mặt bằng đạt 100% trước ngày 30/4 năm nay để đẩy nhanh các gói thầu

Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài hơn 76 km, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng. Dự án đi qua TP. HCM (46 km), Bình Dương (hơn 10 km), Đồng Nai (11km) và Long An (6,8 km).

Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Công trình được khởi công tháng 6/2023, tính đến tháng 2/2024 khối lượng dự án đường Vành đai 3 qua TP. HCM đạt hơn 11%, qua tỉnh Bình Dương đạt 18% và Long An đạt 25% khối lượng. Riêng dự án qua tỉnh Đồng Nai mới đạt 2% khối lượng.

Theo kế hoạch, dự án đường Vành đai 3 sẽ hoàn thành cơ bản, thông xe vào cuối năm 2025, khai thác toàn tuyến năm 2026.

Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM là tuyến đường có vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh, thành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Ý kiến của bạn

Bình luận