Phòng học lớp 1 trường Tiểu học Cửu Long, quận Bình Thạnh. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Trong báo cáo tiến độ Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết thành phố hiện có tỷ lệ 276 phòng học trên 10.000 dân.
Để đạt được mục tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân vào năm 2020, TP HCM còn thiếu hơn 10.700 phòng học ở các cấp từ mầm non đến THPT. Trong đó, bậc tiểu học thiếu nhiều phòng học nhất (gần 5.000 phòng).
Hiện TP HCM có hơn 2.250 trường học (hơn 45.000 phòng), trong đó công lập hơn 1.300 trường, còn lại là ngoài công lập. Đã có nhiều chương trình, dự án cho giáo dục nhưng do nhu cầu tăng nhanh, dân số đông nên điều kiện trường lớp ở địa phương này còn hạn chế.
Phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông chỉ có các phòng học thông thường, trong khi các công trình thuộc khối phục vụ học tập thiếu nhiều như phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa năng, sân chơi...
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đặt mục tiêu năm 2020 có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 92% trẻ độ tuổi mẫu giáo và hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường. Ở bậc tiểu học và THCS, ngoài việc đầu tư thêm các cơ sở vật chất, ngành giáo dục sẽ tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi một ngày.
Tổng kinh phí thực hiện khối lượng công việc trên giai đoạn năm 2017-2020 là hơn 31.200 tỷ đồng.
TP HCM hiện có hơn 1,7 triệu trẻ mầm non và học sinh từ tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên. Năm học 2019 - 2020, số lượng học sinh tăng thêm 75.000, trong đó nhiều nhất ở bậc tiểu học và THCS.
Theo một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ trương của TP HCM là đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh, không phân biệt có hộ khẩu, tạm trú thành phố hay không. Áp lực sĩ số do đó là gánh nặng với nhiều quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học cao như Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.