Doanh nghiệp vận tải vực sậy sau dịch |
Vận tải hành khách hoạt động trở lại bình thường
Theo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đã có các phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đối với hoạt động vận tải khách bằng xe taxi, xe hợp đồng, xe buýt... được hoạt động trở lại bình thường từ ngày 11/5. Đối với hoạt động vận tải khách bằng xe buýt có trợ giá được giao cho Sở GTVT rà soát và công bố từng tuyến cụ thể hoạt động trở lại kể từ ngày 04/5.
Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt không trợ giá và liên tỉnh liền kề, Sở GTVT xem xét và phối hợp với các địa phương có liên quan để thống nhất công bố hoạt động trở lại bình thường theo phương án đề xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác tuyến đảm bảo phục vụ nhu cầu khách đi lại ổn định.
Đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, hoạt động trở lại bình thường 100% số chuyến trong biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ. Sở GTVT phối hợp với sở GTVT tỉnh, thành có liên quan để thống nhất triển khai thực hiện.
Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy, bến phà Cát Lái và bến phà Bình Khánh hoạt động bình thường. Riêng bến phà Cát Lái hạn chế xe ô tô có tổng tải trọng trên 8 tấn. Tuyến buýt đường thủy số 1 hoạt động trở lại từ ngày 04/5. Tuyến vận tải hành khách cố định, vận tải hành khách ngang sông nội tỉnh, liên tỉnh hoạt động bình thường.
Về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi vận chuyển, tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện và người tham gia giao thông phải đảm bảo điều kiện an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động GTVT trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các quy định của ngành Y tế.
Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo ông Lâm Đại Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn hàng, tài chính doanh thu sụt giảm đồng thời và dư thừa lao động. Mặc dù việc giãn cách xã hội đã được nới lõng, Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp trở lại hoạt động song hiện nay các đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài vẫn chưa được lưu thông bình thường bởi dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu vẫn còn phức tạp nên các đơn hàng vận tải vẫn chưa có nhiều.
“Để vượt qua giai đoạn này, chúng tôi buộc phải thu hẹp sản xuất, tinh gọn bộ máy nhân sự. Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải mong muốn Nhà nước giảm thuế, giảm lãi suất và chí phí cố định như phí bảo trì đường bộ. Tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm 2020 vẫn còn rất nhiều khó khăn, dó đó chúng tôi đang tích cực tìm nguồn hàng và chuyển đổi hoạt động lĩnh vực kinh doanh để có các đơn hàng trong nước vận chuyển, cố gắng duy trì hoạt động nhằm đảm bảo trả lương cho nhân viên, tài xế”, ông Vinh cho biết thêm.
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp vận tải lâm vào cảnh khó khăn. Trong một tháng, phương tiện hoàn toàn không hoạt động, thời gian trước đó thì hoạt động cầm chừng, trong khi nguồn vốn đầu tư cho phương tiện (khoảng 70%) là vay ngân hàng nên vẫn phải trả lãi suất hàng tháng. Doanh nghiệp khó khăn khiến các ngân hàng như ngồi trên đống lửa. Để hỗ trợ doanh nghiệp cần sớm có những chính sách như miễn phí vào bến bãi tại 3 bến xe lớn là An Sương, Miền Đông và Miền Tây, đồng thời miễn giảm phí bảo trì đường bộ, giảm lãi suất ngân hàng… Các hiệp hội xe buýt, xe khách, hàng hóa cũng kiến nghị giảm 50% lãi suất vay cho các doanh nghiệp”.
Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cùng với các hiệp hội xe buýt, vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch, taxi đã đánh giá ảnh hưởng dịch Covid-19 để đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Các doanh nghiệp và hiệp hội vận tải đề nghị giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả từ tháng 4, 5, 6 năm 2020; kiến nghị kể từ tháng 7/2020 áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; đề nghị giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ tháng 6 đến tháng 12 cho các doanh nghiệp...
Đối với các chính sách thuế, các đơn vị cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, cho giãn nộp 6 tháng đối với thuế nợ đọng đến ngày 31/3 không tính lãi chậm nộp; miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2020; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải; giảm hoặc miễn thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến xe, cảng.
Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành thực hiện các biện pháp cơ cấu trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí, miễn giãn thuế và các chính sách cho người lao động. Đồng thời, UBND thành phố sớm có kiến nghị xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ đến tháng 6/2020. Đối với đơn vị đã đóng cả năm được xem xét chuyển đóng cho thời gian kế tiếp.
Theo thông tin từ UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố chiếm gần 50% số lượng doanh nghiệp và khoảng 10% tổng số hộ sản xuất, kinh doanh cá thể của cả nước nên việc phục hồi kinh tế trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của đơn vị mà còn là vấn đề chung của cả nước. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng trụ lại là hết sức khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Chính vì vậy, thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa..., đồng thời triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư công.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.