TP. Hồ Chí Minh vẫn loay hoay chống ngập

Tác giả: Thắng Khang

saosaosaosaosao
Xã hội 29/12/2017 07:21

Nhiều năm nay, mặc dù TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng triển khai nhiều dự án chống ngập nhưng đến nay người dân vẫn phải sống chung với tình trạng ngập nước.

 

hình 1
TP. Hồ Chí Minh vẫn loay hoay trong việc chống ngập

Theo thống kê những năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600km cống thoát nước, 60km kênh rạch, củng cố đê bao, xây dựng cống kiểm soát triều, hồ điều hòa… nhưng đến nay Thành phố ngập vẫn hoàn ngập. Nếu như những năm trước, vấn đề ngập nước chỉ xuất hiện chủ yếu ở khu vực vùng ven các quận: 2, 7, 12, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Nhà Bè thì nay đã xuất hiện ở cả các tuyến đường trung tâm Thành phố như: Võ Văn Kiệt, Phan Xích Long, Trường Sơn, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất… khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nạn kẹt xe trầm trọng vào giờ tan tầm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến ngập nước là do khi xảy ra mưa lớn, những miệng thu, cửa thoát nước bị rác bịt kín, cửa xả bị lấn chiếm nên ảnh hưởng lớn đến hệ thống thoát nước.

GS. TS. Nguyễn Tất Đắc - Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng: “Để giải quyết vấn đề ngập nước, Thành phố cần có một giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cấp cống thoát nước, kết hợp hệ thống kênh rạch hiện hữu, cống ngăn triều. Đặc biệt, Thành phố cần tập trung đầu tư các dự án có quy mô lớn để giải quyết một cách căn cơ bài toán ngập nước với tầm nhìn phù hợp điều kiện của ngân sách”.

Cõ lẽ những nguyên nhân, giải pháp đưa ra để xử lý việc ngập nước ở Thành phố vẫn chưa đúng “bệnh” nên nhiều dự án đầu tư không mang lại hiệu quả. Bởi trên thực tế, nguyên nhân gây ngập nước là do TP. Hồ Chí Minh có địa hình tương đối thấp, vùng trung tâm thành phố (gồm 13 quận nội thành) có cốt nền từ 1,6m trở xuống. Trong đó, một số nơi thuộc các quận 4, 6, 8, Bình Thạnh, cốt nền chỉ từ 1,3m trở xuống, trong khi triều cường ngày càng tăng cao (có thời điểm lên đến 1,68m). Theo nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên dưới 01cm/năm.

 Thành phố nên quy trách nhiệm cụ thể

Để người dân bớt khổ khi phải thường xuyên đối mặt với tình trạng úng ngập, Thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết được. Không ít các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra những lý do như: Đầu tư chưa đồng bộ, các hệ thống cống bị cũ, nền đất bị yếu, đô thị phát triển nóng, nền đường bị trũng, thấp hơn mức nước thủy triều... Tuy nhiên trong thực tế, không ít các dự án đầu tư xong, nghiệm thu đi vào hoạt động thì nạn úng ngập vẫn không được cải thiện mà thậm chí ngày càng thêm các điểm ngập khác. Dư luận đặt câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc phê duyệt các dự án kém hiệu quả đó trong khi không có ai chịu trách nhiệm mà ngập vẫn hoàn ngập.

Từ trước đến nay, việc thực hiện chống ngập của Thành phố có đến 4 đơn vị tham gia, gồm: Sở GTVT, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, quận, huyện. Hệ quả cuối cùng vẫn ngập, nguyên nhân được cho là do người dân kém ý thức xả rác bừa bãi, ngoài ra còn nguyên nhân nữa là tại “ông trời làm biến đổi khí hậu” nên gây ngập.

Vừa qua, Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung lắp đặt máy bơm khổng lồ tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) để thử nghiệm công nghệ chống ngập kiểu mới. Khu vực này là "rốn" ngập của Thành phố nhiều năm qua, là vị trí thường xuyên ngập khi mưa to, kéo dài 3 đến 4 giờ đồng hồ, gây UTGT, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và hư hỏng các phương tiện lưu thông qua khu vực. Doanh nghiệp này đã cam kết với Thành phố nếu “không hết ngập không lấy tiền”. Việc cam kết của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã làm cho người dân rất quan tâm, ủng hộ và tin tưởng vào công nghệ chống ngập kiểu mới giúp cho Thành phố hết ngập.

Cụ thể, qua 10 lần thử nghiệm đạt kết quả tốt, như trận mưa to ngày 13/10/2017 với lưu lượng 125mm kéo dài 3 giờ mà đường Nguyễn Hữu Cảnh không bị ngập, trong khi các điểm ngập khác bị ngập sâu. Đây là “nhân chứng sống” để Thành phố xem xét cần phải xây dựng cơ chế mới thay cơ chế lạc hậu, kém hiệu quả trước đây

Ý kiến của bạn

Bình luận