Cấm theo khung giờ
Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất 2 phương án cấm xe khách vào nội đô trong khung giờ 6-22h và dự tính thực hiện theo hai giai đoạn (từ nay đến 2025 và 2025 đến năm 2030).
Cụ thể, phương án 1 chia làm hai giai đoạn, thời gian hạn chế xe khách vào nội đô thành phố là từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025, hạn chế xe khách giường nằm. Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến 2030, hạn chế xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, xe du lịch được cấp phù hiệu riêng).
Phương án 2 cũng chia làm hai giai đoạn, thời gian cấm xe vào nội đô theo khung giờ từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025, cấm xe khách giường nằm. Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến 2030, hạn chế xe khách trên 16 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, xe du lịch được cấp phù hiệu).
Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận cả 2 phương án đều có khả năng giảm diện tích chiếm dụng mặt đường và tăng vận tốc lưu thông bình quân của phương tiện so với hiện nay tại khu vực trung tâm. Đồng thời giải quyết tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, tăng mỹ quan đô thị tại khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, phương án 2 tác động đến tình hình kinh tế xã hội lớn hơn cũng như đến hoạt động phần lớn đến các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn thành phố.
Phân loại xe khách để cấm
PGS-TS Phạm Xuân Mai đánh giá: “Hiện nay tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố khá nhiều, các xe chạy thẳng vào các tuyến đường trung tâm để đón, trả khách mà không chịu vào bến. Do đó, có thể thấy mục đích chính của Sở GTVT trong đề án là nhằm xử lý tình trạng xe dù, bến cóc.
Việc hạn chế xe khách chạy theo tuyến cố định là hợp lý.
Xe chạy tuyến này bắt buộc phải đón, trả khách tại bến sau đó hành khách đi đâu sẽ có hệ thống giao thông công cộng hoặc phương tiện cá nhân đưa, rước”.
Đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng là các xe chở công nhân, học sinh, sinh viên, được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới). Xe du lịch, được thực hiện theo hành trình và phải có hợp đồng vận tải khách du lịch bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh du lịch hoặc lữ hành.
Với xe hợp đồng, xe du lịch, tài xế họ chạy theo đúng tuyến, đúng hợp đồng và có trách nhiệm đưa đón du khách tới các khách sạn hoặc điểm tham quan theo đúng hợp đồng đã ký với công ty du lịch. Ngay cả các thành phố lớn trên thế giới cũng không thể cấm loại hình vận tải này. Nếu xe hợp đồng, du lịch bị cấm vào nội thành thì buộc tài xế phải đậu một nơi rất xa trung tâm thành phố và phải dùng xe trung chuyển 16 hoặc 12 chỗ, ông Mai phân tích.
Cũng theo ông Mai phương án trung chuyển này gây phiền phức cho người đi du lịch khi phải đi xe trung chuyển ra, vào khách sạn. Về mặt giao thông không giải quyết được gì cả. Tính mật độ giao thông, mật độ lưu thông thì 3 - 4 xe trung chuyển còn chiếm dụng mặt đường còn hơn một xe khách lớn.
Nên tôi cho rằng phương án dùng xe trung chuyển vào trung tâm thành phố để giảm tải giao thông là không hợp lý xét về mật độ giao thông.
Cân nhắc lựa chọn phương án
Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM (Hiệp hội) cũng vừa có văn bản góp ý trước đề án hạn chế, cấm xe khách giường nằm vào trung tâm thành phố của Sở GTVT TP.HCM. Qua nghiên cứu phương án tổ chức giao thông đối với phương tiện xe khách trên địa bàn TP.HCM Hiệp hội cho rằng phương án trên nhằm hạn chế tối đa lượng xe khách lớn (trên 30 chỗ ngồi) vào khu vực trung tâm thành phố. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và cả tăng vẻ mỹ quan của thành phố. Theo đó, Hiệp hội thống nhất mục tiêu của phương án tổ chức hạn chế lưu thông của một số phương tiện xe khách lớn trên địa bàn TP.HCM.
Với hai phương án cấm mà Sở GTVT TP.HCM đưa ra, Hiệp hội lựa chọn phương án 1.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội về việc hạn chế xe khách vận chuyển khách du lịch và xe khách vận chuyển theo hợp đồng, hội đề nghị cần cân nhắc lại.
Cụ thể, xe vận chuyển khách du lịch, hiện nay theo quy định xe đã được cấp “biển hiệu” không giống với các phương tiện khác là “phù hiệu”, nên nghĩ không cần phải có phù hiệu riêng. Xe vận chuyển theo hợp đồng, không thể cấm hoàn toàn (như văn bản dự thảo) vì bản chất của loại hình hợp đồng này là các doanh nghiệp/Hợp tác xã vận tải vận chuyển theo yêu cầu cụ thể từng hợp đồng của hành khách. Tức là hành khách họ muốn đi từ đâu đến đâu là quyền của hành khách, miễn là ở nơi đó không có quy định cấm cụ thể nào.
Ngoài ra, loại hình vận chuyển này đã được văn bản pháp quy quy định rất chặt chẽ như: hợp đồng phải có phiếu thu tiền, có danh sách người đi, có hành trình đi cụ thể, trước khi đi nhất thiết phải báo cáo về cho Sở GTVT thì mới hợp lệ. Bên cạnh đó, mỗi xe đều phải có gắn GPS, gắn camera để giám sát.
Theo đó, nếu nhất thiết muốn hạn chế loại xe hợp đồng này thì Hiệp hội cho rằng vẫn phải ngoại trừ các đối tượng phương tiện trên 30 chỗ nằm trong phạm vi hành lang theo Quyết định 23/2019 của UBND TP. Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM đề nghị Sở GTVT xem xét cân nhắc thêm nhằm hoàn thiện phương án tổ chức giao thông trước khi trình UBND TP.HCM.
Còn theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM khẳng định cấm xe khách vào nội đô chắc chắn gây trở ngại đối với việc đi lại của cư dân thành phố. Với một đô thị lớn như TP.HCM nhất thiết phải có sự nghiên cứu điều chỉnh hoạt động xe ra - vào thành phố. Điều này nhằm đảm bảo người dân được đi lại thuận lợi và an toàn. Một thành phố đô thị cần có sách lược cho hoạt động vận tải để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích, nhu cầu phát triển và sự đi lại của người dân”.
Dù có những trở ngại ban đầu, ông Tính cho rằng việc hạn chế, cấm xe khách cỡ lớn vào trung tâm sẽ được nhắm đến mục đích lớn hơn là giải quyết tình trạng ùn tắc nội thị, tác động ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.