TP.HCM đề xuất đầu tư 2 tuyến buýt đường sông giảm ùn tắc đường bộ

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 28/07/2017 06:25

Trước tình trạng UTGT đường bộ ngày càng nghiêm trọng, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất phương án đầu tư 2 tuyến buýt đường sông để người dân đi lại. Đây được xem là giải pháp hữu ích giúp người dân và khách du lịch có thể lựa chọn một hình thức di chuyển mới và giảm ùn tắc cho nội đô Thành phố.

 

Hình 1 - Hành khách đi trên tuyến buýt sông sẽ đượ
Hành khách đi trên tuyến buýt sông sẽ được trang bị các thiết bị an toàn

Đi xuyên tâm nội đô bằng đường thủy

Theo Sở GTVT, hai tuyến buýt đường sông này được thực hiện trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Với tổng chiều dài hơn 21km, tuyến buýt này sẽ chở khách xuyên trung tâm Thành phố và kết nối từ quận 8 lên quận Thủ Đức. Cụ thể, tuyến Linh Đông - Bạch Đằng (tuyến số 1) bắt đầu từ bến đò Bình Quới, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, cách giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân khoảng 01 km, sau đó di chuyển dọc theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa (phía phường 28, quận Bình Thạnh) và đổ ra sông Sài Gòn để dừng ở khu vực bến Bạch Đằng. Tuyến nối tiếp là Bạch Đằng - Lò Gốm (tuyến số 2) bắt đầu từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé - kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 8).

Trước tính khả thi của đề án này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT và giao Sở GTVT rà soát, ký kết thỏa thuận hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) với Công ty TNHH Thường Nhật về việc đầu tư hai tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh. Cả hai tuyến này sẽ có buýt chạy trên sông theo hai chiều xuôi ngược. Khu bến trung tâm rộng khoảng 3 ha sẽ được xây dựng tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Ngoài ra, trên các tuyến sẽ có 02 bến ở đầu, cuối tuyến và 6 bến đón, trả khách dọc tuyến.

Ông Nguyễn Kim Toản - đại diện Công ty Thường Nhật cho biết: Trước mắt sẽ có hai tàu loại 80 chỗ đưa vào khai thác ở tuyến số 1. Sau đó, tuyến số 2 được đưa vào khai thác cũng trong năm nay. Mỗi tuyến buýt đường sông dài khoảng 11km với thời gian di chuyển từ đầu đến cuối tuyến khoảng 30 phút. Nếu không tính điểm đầu và điểm cuối, tuyến buýt sông số 1 chạy qua 7 bến. Thời gian cập bến đón và trả khách tối đa 3 phút/bến thì tổng thời gian mất 21 phút.  Do đó, chủ đầu tư phải tính toán thời gian hành trình tuyến buýt không quá một giờ mới thu hút được khách. Tuyến buýt sông có chung một giá vé 15.000 đồng, phía Công ty sẽ cố gắng duy trì ổn định giá vé này trong 01 - 02 năm đầu.

Các tuyến này sẽ kết nối với đường bộ để góp phần giảm tải cho đường bộ, do đó trên tuyến sẽ có các bến khách lên xuống và bãi giữ xe. Công ty đang triển khai các hạng mục của dự án và sẽ khai thác đúng kế hoạch.

Theo Sở GTVT, các dự án này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, góp phần phát triển vận tải hành khách đường thủy và hỗ trợ cho đường bộ vốn đã quá tải. Ngoài ra, các tuyến buýt này còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bằng đường sông ở TP. Hồ Chí Minh. Khi tuyến buýt hoạt động với thời gian và địa điểm cụ thể, người dân có thể di chuyển và kết hợp tham quan đường sông.

Để đường thủy không bị “bỏ quên”

Theo đánh giá của chuyên gia giao thông Phạm Sanh, hiện nay Thành phố vẫn chưa đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng giao thông thủy hiện có. Trong khi đó, việc khai thác và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc, nhất là các hướng từ TP. Hồ Chí Minh đi Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu.

Chúng ta đang quá chú trọng đến vận tải đường bộ mà quên mất hệ thống giao thông thủy với lợi thế của 2 con sông lớn chảy qua khu vực là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và những sông, rạch lớn khác.

“Không chỉ vận tải hàng hóa mà vận tải hành khách trong nội đô Thành phố bằng đường thủy lâu nay cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn như Thành phố có tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sau khi cải tạo, nạo vét thì luồng tuyến thực sự đã thông thoáng, kết nối thuận lợi khu vực trung tâm với một số quận, huyện vùng ven. Tuy nhiên nhiều năm nay, việc khai thác, vận chuyển hành khách công cộng trên những tuyến giao thông thủy này khá yên ắng. Thời gian trước đây, chỉ duy nhất khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xuất hiện hình thức tàu du lịch trên kênh. Nhưng tính đến nay, hình thức này đang rơi vào trạng thái “chết yểu”. Trong khi đó, vận tải hành khách trên đường bộ thì thường xuyên xảy ra nạn kẹt xe, gây bức xúc cho người dân. Chính vì vậy, với lợi thế giao thông thủy hiện nay, các cơ quan quản lý chỉ cần khảo sát, kêu gọi đầu tư các cảng, bến vận chuyển hàng hóa, hành khách thuận tiện thì tôi tin rằng, Thành phố sẽ sớm hình thành được nhiều tuyến vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần giải tỏa áp lực giao thông đường bộ đang quá tải hiện nay”, ông Sanh nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm với chuyên gia Phạm Sanh, nhiều chuyên gia giao thông và các đơn vị nghiên cứu cho rằng, việc mở các tuyến buýt đường sông là cần thiết để đa dạng hóa loại hình đi lại. Đặc biệt, với lợi thế có nhiều sông, kênh, rạch như TP. Hồ Chí Minh thì về lâu dài Thành phố cần tận dụng lợi thế tự nhiên này để phát triển buýt đường sông. Loại hình này thực hiện ít tốn kém, thời gian thực hiện nhanh, giảm ô nhiễm môi trường… Trong tương lai, Thành phố cần đưa ra mục tiêu chính cho buýt đường sông là giảm ùn tắc cho đường bộ, đồng thời kết hợp phục vụ phát triển du lịch để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân như hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận