Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng đoạn qua huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Ngày 18-1, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM tổ chức cuộc họp về kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo 8 tỉnh lân cận cùng bàn bạc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải liên vùng phía Nam giai đoạn đến năm 2020 và sau đó.
Thực hiện nhiều kế hoạch đấu nối các địa phương
Theo Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua, TP.HCM đã phối hợp các tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh… tích cực thực hiện nhiều kế hoạch nhằm đấu nối cục bộ giữa các địa phương đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương do vấn đề về nguồn vốn đầu tư.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng chưa phát huy được hết. Quy hoạch, liên kết vùng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải cho phù hợp.
Dựa trên nghiên cứu của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải, Sở GTVT TP.HCM đưa ra kiến nghị xem xét, điều chỉnh quy hoạch giao thông vùng.
Đối với lĩnh vực giao thông bộ, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải cho rằng đường vành đai 3 đi qua địa phận TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An chạy dọc theo tuyến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn.
Vì vậy, đường vành đai 3 cần được nhanh chóng triển khai xây dựng. Tổng chiều dài đường vành đai 3 là 89,3km. Trong đó làm mới khoảng 73km, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16,3km hiện được tỉnh Bình Dương đầu tư.
Quá trình xây dựng chia làm 4 giai đoạn nhưng vẫn còn triển khai chậm, một số đoạn chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.
TP.HCM phải cùng các tỉnh rà soát đẩy nhanh quá trình thực hiện để tăng cường các trục đường kết nối, hạn chế tập trung giao thông vào một đầu mối. Kết nối các khu vực kinh tế, du lịch, đầu mối giao thông quan trọng góp phần giải quyết nhu cầu vận tải, đẩy nhanh việc lưu thông hàng hóa.
TP.HCM đề xuất bổ sung 5 tuyến kết nối liên vùng gồm LV2, LV3, LV4, LV11 với tổng chiều dài 239,1km, quy mô từ 4-6 làn xe. Tổng kinh phí đầu tư hơn 32,2 tỉ đồng. Giai đoạn đầu tư từ 2020 - 2025 khoảng 99,9km và sau 2025 là 139,18km.
Điều chỉnh hướng tuyến đường N2 cho phù hợp với đường Hồ Chí Minh cao tốc với tổng chiều dài 6km, tổng mức đầu tư gần 5.5 tỉ đồng. Thời gian thực hiện sau 2025.
Xem xét cả lĩnh vực đường sắt, đường thủy
Về lĩnh vực đường sắt quốc gia, TP xác định ga Bình Triệu là ga đầu mối chính, bổ sung nhánh kết nối giữa ga Bình Triệu với tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ.
Về giao thông đường thủy sẽ nghiên cứu bổ sung luồng tuyến kết nối nhanh hướng Đông Tây từ cửa sông Vàm Cỏ tới cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và từ sông Đồng Nai tới sông Thị Vải. Bổ sung nhiều cảng sông ICD để gom hàng và vận chuyển tới các cảng lớn nhằm giảm bớt áp lực cho giao thông đường bộ.
Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP - khẳng định việc điều phối, kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vấn đề đang rất được quan tâm, ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều tỉnh, thành.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… giàu tiềm năng phát triển, thế nhưng giao thông vẫn chưa được kết nối đồng bộ, nhiều vấn đề giao thông gây ảnh hưởng đến cả vùng.
Gần đây, việc ùn tắc tại các địa điểm như Cai Lậy (Tiền Giang), Rạch Miễu (Bến Tre)… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến TP.HCM và các tỉnh khác.
Vì vậy, trong năm 2018, các sở GTVT ở các tỉnh cần làm việc cùng nhau, đưa ra phương án điều chỉnh phát triển giao thông đồng bộ, nhanh chóng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.