Lực lượng cảng vụ viên kiểm tra điều kiện an toàn của cảng bến thủy nội địa |
Nền tảng thúc đẩy phát triển giao thông ĐTNĐ
Nhằm hạn chế tình trạng mở bến thủy nội địa tràn lan, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình, gây mất TTATGT ĐTNĐ, Điều 5, Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT quy định việc đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch bến thủy nội địa đã đươc phê duyệt. Tại Điều 4 của thông tư này cũng quy định Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch bến thủy nội địa trong phạm vi địa bàn quản lý.
Là địa phương có tiềm năng khai thác GTVT ĐTNĐ ở miền Bắc, từ năm 2015, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Quy hoạch phát triển GTVT ĐTNĐ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quan điểm của UBND tỉnh Nam Định, việc quy hoạch sẽ tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên để phát huy lợi thế vận tải ĐTNĐ nhằm phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy hoạch đã và đang đảm bảo tính đồng bộ giữa luồng tuyến và cảng, bến cũng như đảm bảo với hệ thống quy hoạch tổng thể mọi lĩnh vực.
Ông Phạm Đình Tuyến - Trưởng phòng Cảng bến (thuộc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II) cho biết, việc quy hoạch hệ thống cảng, bến xác định được nhu cầu, điều kiện cần thiết để đảm bảo ATGT theo cấp kỹ thuật trên các tuyến vận tải ĐTNĐ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ và tính toán các yếu tố kỹ thuật cho các công trình vượt sông, đảm bảo sự kết nối với các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường bộ, hàng hải.
Nam Định đã tiến hành quy hoạch các bến và cụm bến thủy nội địa tại những vị trí đảm bảo về quỹ đất, hành lang an toàn công trình cầu, cống, hành lang đê điều và bảo vệ môi trường phục vụ nhu cầu tập kết, bốc xếp, trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng…, đóng mới sửa chữa phương tiện thủy; khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp.
“Việc quy hoạch cảng, bến thủy nội địa của địa phương đã đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của ĐTNĐ khi tạo nên một nền tảng khoa học, lành mạnh và hiện đại, đặc biệt là dẹp bỏ được tình trạng mở bến tràn lan, gây lộn xộn trong hoạt động vận tải, đe dọa đến TTATGT ĐTNĐ so với trước đây”, ông Tuyến cho biết thêm.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trịnh Văn Tuấn - Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Nam Định (thuộc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II, Cục ĐTNĐ Việt Nam) nói, để thực hiện quy hoạch này, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Nam Định đã tiến hành rà soát, điều tra, nghiên cứu toàn bộ số lượng cảng, bến trên địa bàn nhằm đưa ra phân tích, đánh giá cụ thể về điều kiện hoạt động an toàn, hiệu quả. Theo đó, những cảng, bến nào đảm bảo các điều kiện theo quy định sẽ được đưa vào quy hoạch, bến nào nâng cấp lên cảng thì tiến hành nâng cấp, bến nào vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thì cần phải xóa bỏ. Từ đó, Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II cung cấp thông tin tới Sở GTVT để trình UBND tỉnh Nam Định xem xét và ban hành quy hoạch.
Bao giờ cho hết “bến chui”?
Theo thống kê của Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Nam Định, hiện nay đơn vị đang quản lý 6 cảng và 123 bến thủy nội địa đã được cấp phép, trải dài trên 250km đường sông, kênh. Trong đó, sông Đào có 42 cảng, bến; sông Đáy có 16 bến; sông Ninh Cơ có 42 bến; sông Hồng có 19 bến; kênh Quần Liêu có 4 bến. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 149 bến không phép, trong đó có 86 bến có thể cấp giấy phép hoạt động và 63 bến cần phải xóa bỏ vì vi phạm hành lang bảo vệ các công trình.
Theo ông Tuấn, lực lượng Cảng vụ đã phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tiến hành lập biên bản, xử phạt các bến không phép. Cảng vụ cũng đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của 63 “bến chui”, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Nam Định, đối với những bến không phép khẩn trương có biện pháp để xóa bỏ trong thời gian tới, lộ trình dự kiến là đến năm 2020 sẽ xóa bỏ toàn bộ bến chui.
“Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động của các bến không phép phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của cả hệ thống chính trị tại địa phương. Chính quyền cấp phường, xã cần phải thu hồi lại đất cho thuê, lực lượng CSGT, TTGT cần ngăn chặn tàu ra, vào bến… mới có thể đem lại hiệu quả triệt để”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đắc Kiệm - Giám đốc Công ty TNHH Hải Long cho biết, lực lượng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Nam Định quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình, giúp hoạt động của các cảng, bến trên địa bàn được ổn định và phát triển hơn. Nhờ đó, bến Nghĩa An của đơn vị giờ đây đã được nâng cấp lên cảng thủy nội địa, mở rộng quy mô hoạt động.
Theo ông Kiệm, hiện trạng bến thủy nội địa hoạt động trái phép hiện nay đang gây nhiều bức xúc đối với những bến thủy nội địa có phép, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.
“Trên thực tế, những bến hoạt động trái phép gần như không phải nộp các khoản phí, lệ phí, không đảm bảo các điều kiện về an toàn theo quy định pháp luật…, từ đó dẫn đến môi trường kinh doanh không lành mạnh giữa các bến có phép và các bến không phép. Thực sự, việc để tồn tại bến không phép đang tạo nên sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh”, ông Kiệm bày tỏ quan điểm.
Trong bối cảnh vận tải thủy phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì người kinh doanh cần phải có tư duy lớn. Phương tiện vận tải lớn, đồng nghĩa với việc cảng, bến phải có quy mô hiện đại, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp. Trong khi đó, hoạt động của các bến không phép lại nhỏ lẻ, manh mún, giành giật lợi ích kinh tế với các bến có phép, tạo thành “chướng ngại vật” trong sự phát triển của GTVT ĐTNĐ hướng tới chính quy, chuyên nghiệp
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.