TP.HCM ứng dụng công nghệ ngăn ùn tắc giao thông

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
30/06/2022 12:30

Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, những năm gần đây TP.HCM đã triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

 

TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

 

Hệ thống “mắt thần” giám sát giao thông

TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng về dân số, trong khi hạ tầng giao thông lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại các khu vực cửa ngõ và trung tâm thành phố.

Để giải bài toán kẹt xe, TP.HCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giao thông thông minh đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông. Hệ thống camera ở những tuyến đường trọng yếu và hệ thống giao thông thông minh giúp người dân lựa chọn lộ trình lưu thông phù hợp, tránh lưu thông qua những tuyến đường, khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc hoặc có mật độ phương tiện giao thông cao.

Ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (Trung tâm) cho biết: “Hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) đưa vào khai thác cuối năm 2019, công tác vận hành liên tục 24/24h với sự phối hợp giữa các group phản ứng nhanh gồm lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý hạ tầng giao thông và Trung tâm, khi phát hiện sự cố giao thông qua camera thì lập tức chia sẻ thông tin để xử lý kịp thời. Trung tâm thực hiện 5 chức năng chính gồm: chức năng giám sát giao thông, chức năng điều khiển đèn giao thông, chức năng hỗ trợ xử lý vi phạm, chức năng cung cấp thông tin giao thông và chức năng mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông”.

Cụ thể, chức năng giám sát giao thông với gần 800 camera lắp đặt tại các giao lộ, các tuyến đường trọng điểm và khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, bến xe Miền Đông, Tây Bắc và trung tâm thành phố. Thông qua hệ thống camera, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông, các sự cố trên đường như tai nạn, ùn tắc, va chạm... để kịp thời thông tin cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Empty
Gần 800 camera lắp đặt tại các giao lộ, các tuyến đường trọng điểm kịp thời ghi nhận tình hình giao thông, các sự cố để xử lý nhanh nhất.

Gần 800 camera lắp đặt tại các giao lộ, các tuyến đường trọng điểm kịp thời ghi nhận tình hình giao thông, các sự cố để xử lý nhanh nhất.

Hiện nay Trung tâm kết nối và điều khiển 216 nút giao thông trong phạm vi 36km địa bàn quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, Phú Nhuận, Tân Bình điều khiển theo chu kỳ thời gian hàng ngày và “làn sóng xanh” theo trục đường Võ Thị Sáu, Paster, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường 3 tháng 2. Với kịch bản điều khiển “làn sóng xanh”, các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 30-35 km/h sẽ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyến đường trong điều kiện lưu thông thông thoáng.

Trước đây, cần có lực lượng Cảnh sát giao thông hoặc thanh niên xung phong đứng điều tiết giao thông ở khu vực trung tâm trong giờ cao điểm, còn hiện nay gần như việc điều tiết đã được thực hiện từ Trung tâm, lực lượng chức năng chỉ can thiệp những trường hợp xảy ra sự cố. Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ hướng tới tối ưu hóa tự động bằng trí tuệ nhân tạo thay vì sử dụng các kịch bản như hiện nay để đạt được mức độ “thông minh” như nhiều đô thị hàng đầu khác trên thế giới.

Với hệ thống ITS hiện đại, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số điều khiển như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển, lệch thời gian đèn xanh để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng.

Chức năng hỗ trợ xử lý vi phạm, Trung tâm đang vận hành, quản lý 9 vị trí bắn tốc độ tự động để xử lý hành vi vi phạm tại đường hầm sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu vượt Cát Lái, Xa lộ Hà Nội, QL1A, đường Nguyễn Văn Linh các dữ liệu vi phạm tốc độ hệ thống sẽ ghi nhận lưu trữ tại Trung tâm đồng thời gửi cho Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) có thể thông qua hình ảnh để tiến hành xử phạt nóng hoặc phạt nguội. Ngoài ra hệ thống còn xử lý tải trọng xe vi phạm về quá tải, Trung tâm đang vận hành 6 trạm tự động phát hiện xe quá tải khi lưu thông trên đường gồm: đường Đồng Văn Cống, Vành Đai 2, 2 trạm nằm QL1A, 2 trạm trên đường Nguyễn Văn Linh. Xử lý vi phạm thông qua hình ảnh đã phát huy được hiệu quả, tình trạng các phương tiện dừng xe, đỗ xe trên các tuyến đường có chuyển biến tích cực.

Chức năng cung cấp thông tin giao thông cho người dân qua 2 nền tảng cổng thông tin giao thông thành phố người dân có thể tải app truy cập để nắm được tình hình giao thông cũng như phản ánh sự cố hạ tầng giao thông, nhận thông báo phân luồng giao thông, đồng thời tra cứu các giấy phép đào đường, đường cấm... để người dân chủ động nắm bắt thông tin và tìm lộ trình lưu thông cho phù hợp.

Về chức năng mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông, hiện nay Trung tâm đang vận hành 1 phần mềm mô phỏng dự báo giao thông được khảo sát sự phát sinh và thu hút chuyến đi của người dân để xây dựng mô hình đánh giá tác động. Các dữ liệu thu thập, thiết bị đo đếm cũng là một cơ sở dữ liệu để cập nhật dự báo cho những công trình xây dựng mới, quy hoạch xây dựng, mở rộng một số tuyến đường, cây cầu… để khi các công trình giao thông đưa vào khai thác sẽ tác động giao thông khu vực như thế nào. Việc dự báo phục vụ cho cơ quan quản lý ra quyết định đầu tư, đánh giá được quy mô, phạm vi từng giai đoạn.

Empty
Các dữ liệu về giao thông được cập nhật về Trung tâm, giúp công tác giám sát và điều hành giao thông được thuận lợi.

Các dữ liệu về giao thông được cập nhật về Trung tâm, giúp công tác giám sát và điều hành giao thông được thuận lợi.

Theo ông Tấn, từ khi đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông, quá trình xử lý các sự cố trở nên nhanh chóng hơn trước rất nhiều, việc xử lý sớm sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Tính riêng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, từ khi trung tâm đưa vào vận hành đến nay, các sự cố giao thông đã giảm rõ rệt, hiếm khi xảy ra kẹt xe kéo dài như những năm trước.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo điều hành giao thông

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong những hợp phần trọng yếu của đề án đô thị thông minh, đây được xem là giải pháp quan trọng trong giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn thành phố, bên cạnh các giải pháp cơ sở hạ tầng tốn kém hơn như phát triển giao thông công cộng sức chở lớn, đầu tư mạng lưới đường bộ... Những năm gần đây, thành phố đã phối hợp với đơn vị, doanh nghiệp triển khai các dự án thí điểm trong lĩnh vực giao thông thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng dụng hệ thống thông tin vào quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông. Tương lai gần, trí tuệ nhân tạo (AI) là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị. Sở GTVT sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai AI trên một số lĩnh vực”.

Theo ông Lâm, ứng dụng AI trong công tác quản lý, điều hành giao thông trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông, thông qua việc thu thập đầy đủ các dữ liệu, phân tích các hành vi giao thông, dự báo các sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp; ứng dụng AI trong việc nghiên cứu phát triển phương tiện không người lái; xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa phương tiện và phương tiện, phương tiện và cơ sở hạ tầng, phương tiện và trung tâm.

Đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện tự động các hành vi vi phạm giao thông trên đường thông qua việc thu thập, tổng hợp, phân tích các hành vi lưu thông đặc thù của người tham gia giao thông. Trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông xảy ra trong quá trình khai thác sử dụng. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị đã mang lại hiệu quả lớn, tác động tích cực nhiều khía cạnh của đời sống, lĩnh vực kinh tế - xã hội ở thành phố. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn đang quá tải do quy mô dân số, kinh tế… ngày càng tăng nhanh, thì vấn đề đi lại và bảo đảm giao thông đô thị liên tục thông suốt vẫn là bài toán cần được giải quyết.

Các thông tin về giao thông được chia sẻ giúp người dân dễ tiếp nhận, lựa chọn các hướng lưu thông.

Các thông tin về giao thông được chia sẻ giúp người dân dễ tiếp nhận, lựa chọn các hướng lưu thông.

Chuyên gia quy hoạch – Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, ngành giao thông thành phố cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Song hành với quá trình xây dựng đô thị thông minh thành phố đang triển khai, ngành giao thông cần tận dụng thời cơ để đầu tư ứng dụng công nghệ mới, từng bước khắc phục những hạn chế và bất cập, nâng dần mức độ tự động hóa trong công tác quản lý, điều hành giao thông. Để đạt hiệu quả cao nhất, việc ứng dụng công nghệ mới này cần được triển khai song song với quá trình đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở, kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này sẽ bảo đảm sự tương thích, tính đồng bộ, liên lạc, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, vận hành của toàn hệ thống.

Theo ông Tấn, năm 2025, dự báo nhu cầu giao thông của người dân thành phố đạt 41 triệu lượt đi lại mỗi ngày, gây quá tải cho giao thông, đặc biệt giờ cao điểm. Vì vậy ở giai đoạn 2 đến năm 2025 cần nguồn vốn ngân sách khoảng 450 tỷ để Trung tâm tiếp tục nghiên cứu phạm vi trung tâm dữ liệu ngành giao thông, mở rộng phạm vi điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ 300 nút lên 500 nút và tăng cường công tác camera giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm giao thông tại nhiều vị trí giao lộ. Khi mà đầu tư hoàn thiện quy mô giám sát và vận hành sẽ nhanh hơn. Hệ thống giao thông thông minh có thể ghi nhận và xử lý hơn 2.000 tình huống giao thông cùng lúc. Trung tâm sẽ quản lý trực tiếp toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông và cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ cho việc xử lý các vi phạm; giám sát, đảm bảo an ninh trật tự đô thị; xử lý các sự cố khẩn cấp; phòng chống cháy nổ, ngập lụt; quản lý bến bãi.

Ý kiến của bạn

Bình luận