TP.Hồ Chí Minh tăng cường xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 09/09/2019 07:05

Để giảm thiểu TNGT do người sử dụng rượu bia gây ra, các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, xử phạt đối với những trường hợp vi phạm.

 

hình 2
Lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý người sử dụng rượu bia tham gia giao thông

Tuyên truyền thay đổi ý thức người dân

Theo số liệu thống kê của Ban ATGT TP. Hồ Chí Minh, qua thực tế kết quả ra quân thực hiện kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố trong những tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 6.522 trường hợp vi phạm (trong đó 212 trường hợp ô tô và 6.340 trường hợp mô tô, xe gắn máy). Từ số liệu này cho thấy, một số nguyên nhân dẫn đến TNGT như xử lý tay lái kém, vi phạm tốc độ, tự gây tai nạn... trong đó rượu bia là tác nhân chính của nhiều vụ tai nạn. Tuy nhiên, do các bệnh viện, cơ sở y tế thời điểm đó tập trung lo cấp cứu người bị tai nạn, qua một thời gian cơ quan điều tra mới đến làm thủ tục xét nghiệm nồng độ cồn nên dẫn đến thực tế số liệu xác nhận nguyên nhân xảy ra TNGT là thấp so với tổng số vụ việc.

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn. Nguyên nhân này có thể xuất phát từ hành vi xem nhẹ, chưa tuân thủ và chấp hành nghiêm các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, quy định pháp luật về hành vi vi phạm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, khi nhận thức chưa đủ mạnh để làm thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết. Thiết nghĩ, cần có những quy định pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để đủ sức răn đe, phòng ngừa TNGT do người uống rượu bia gây ra.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP. Hồ Chi Minh cho biết: “Những năm qua, nước ta đã trở thành một trong những nước tiêu thụ rượu bia Top đầu của thế giới, nhất là trong những dịp lễ, Tết. Đây là vấn đề khó thay đổi trong một sớm một chiều hay chỉ giải quyết qua một vài chiến dịch ra quân tuyên truyền và thực hiện các biện pháp kiểm tra, cưỡng chế. Do vậy trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục kiên trì, quyết liệt tập trung triển khai và thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình về triển khai các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT”.

Theo ông Tường, thời gian tới TP. Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và phát động các đợt cao điểm tuyên truyền “Đã lái xe không uống rượu bia - Uống rượu bia thì không lái xe” để từng bước thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng rượu bia; tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu được tác hại, ảnh hưởng của rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông; hiểu rõ được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.

Kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT và công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả của các đợt cao điểm ra quân, Ban ATGT Thành phố đề nghị Công an Thành phố chỉ đạo CSGT và Công an các quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện đợt tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông trên địa bàn phụ trách; ghi nhận số liệu kiểm soát, xử lý vi phạm và phân tích, đánh giá, so sánh kết quả trước và sau thời gian thực hiện các đợt cao điểm ra quân.

Tăng mức xử phạt

Về khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay, quy định xử phạt người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chia theo phương tiện mà người vi phạm sử dụng. Cụ thể, tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định 46 quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/01 lít khí thở; đồng thời bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 01 tháng đến 3 tháng.

Tại Khoản 8 Điều 5 quy định, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3 tháng đến 5 tháng.

Tại Khoản 9 Điều 5 quy định, phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX từ 4 tháng đến 6 tháng.

Đối với xe mô tô, xe gắn máy, hình thức xử phạt tại Khoản 6 và Điểm c Khoản 8 Điều 6 Nghị định 46 quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở; bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX  từ 01 tháng đến 3 tháng.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX 3 tháng đến 5 tháng.

Theo luật sư Hùng, thực trạng hiện nay phản ánh một điều, các quy định xử phạt còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Chỉ cần quan sát vào khoảng chiều tối tại các quán nhậu luôn đông đúc khách và rất ít ai trong số họ đi taxi hay xe ôm mà họ thường tự lái xe về nhà. Đó là hành vi rất nguy hiểm cho cả bản thân họ và người xung quanh và đáng báo động bởi tình trạng đó rất phổ biến ở xã hội ta hiện nay. Chúng ta chỉ xử phạt, tước GPLX có thời hạn với các đối tượng vi phạm trong vòng mấy tháng và phạt với số tiền như vậy là không đủ sức răn đe.

“Với tình trạng ngày một gia tăng về số lượng vi phạm, cùng mức độ nghiêm trọng của tai nạn thì tới đây sẽ phải sửa đổi theo chiều hướng tăng đối với mức hình phạt. Cá nhân tôi đề xuất hình phạt lao động công ích, đó là biện pháp vừa mang tính răn đe vừa tốt cho xã hội, đặc biệt là môi trường; dọn dẹp những kênh rạch, cống rãnh đang bị ô nhiễm sẽ giúp cho họ nhận thức được hành vi của mình. Cùng với đó, luật cần quy định tăng thời hạn tước quyền sử dụng GPLX lên thời hạn lâu hơn, nếu trường hợp có gây tai nạn nghiêm trọng thì tước bằng lái xe vĩnh viễn, cấm điều khiển phương tiện trong thời hạn đủ lâu hoặc có thể vĩnh viễn. Nếu vi phạm gây chết người gây thương tích thì cần xử lý nghiêm theo tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, luật sư Hùng nêu quan điểm

Ý kiến của bạn

Bình luận