Trách nhiệm và "không thỏa hiệp" khi sử dụng nguồn vốn PPP

Tác giả: Nhóm phóng viên

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 24/11/2015 16:00

Huy động tổng lực các nguồn vốn PPP vào hạ tầng giao thông thời gian qua là bước đột phá của ngành GTVT.

Huy động tổng lực các nguồn vốn PPP vào hạ tầng giao thông thời gian qua là bước đột phá của ngành GTVT, sớm đưa hạ tầng giao thông hoàn thiện đồng bộ, thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là mô hình mới, quá trình triển khai thực hiện bên cạnh những thuận lợi còn không ít khó khăn, cần có những cách làm sáng tạo, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Dưới đây là một số ghi nhận của các ban quản lý dự án đã và đang quản lý thực hiện dự án đối tác công - tư (PPP) bước đầu đem lại những kết quả. 

Quản lý các dự án BOT như quản lý vốn ngân sách 

unnamed

Ông Lâm Văn Hoàng       

Tổng giám đốc       

Ban QLDA  đường Hồ Chí Minh     

Các nhà đầu tư (trừ một số nhà đầu tư là doanh nghiệp xây dựng) hiểu về xây dựng cơ bản, hiểu về nghề và trình tự đầu tư thực hiện rất thuận lợi. Đối với nhiều nhà đầu tư do hạn chế về nhận thức trình tự đầu tư nên khi triển khai họ gặp nhiều lúng túng. Do đó, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là các Ban QLDA, Bộ GTVT phải hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên, muốn hỗ trợ tối đa thì các nhà đầu tư phải có nhận thức đúng, phải phối hợp chặt chẽ. Nhiều nhà đầu tư sợ các cơ quan quản lý nhà nước đi sâu vào nội bộ nên họ không muốn cơ quan quản lý tham gia.

Điển hình như một số dự án BOT QL14 đoạn qua Tây Nguyên, ban đầu, tháng 4/2014, khi Ban vào thì nhà đầu tư không hợp tác nên Ban không thể tháo gỡ khó khăn mà nhà đầu tư đang gặp phải. Tháng 7/2014, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề xuất lên Bộ GTVT là phải thay thế nhà đầu tư BOT. Chính từ những biện pháp mạnh tay như vậy mới có thể răn đe các nhà đầu tư khác. Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn chỉ đạo với tinh thần quản lý các dự án BOT như quản lý vốn ngân sách, giao cho cơ quan quản lý có trách nhiệm làm đầu mối chịu trách nhiệm, từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban QLDA. Mặt khác, Ban QLDA của Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA, đây là điều kiện quan trọng để có thể giúp đỡ về trình tự thủ tục pháp lý, kể cả quá trình điều hành thi công…

Sau các biện pháp mạnh tay của Bộ GTVT, Ban QLDA thì mọi việc mới được đẩy nhanh, đơn cử như một số dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, QL1 được đẩy nhanh trước tiến độ, về đích sớm.

Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ, các nhà đầu tư nên thuê các Ban QLDA chuyên nghiệp như Ban QLDA 1, 2, Ban Hồ Chí Minh... làm tư vấn QLDA. Vừa qua, một số nhà đầu tư tự thuê người ngoài vào thành lập ban quản lý nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp, gây ra không ít hệ lụy.

Các nhà đầu tư vừa bỏ vốn, vừa là nhà thầu xây lắp, vướng mắc là do sự chỉ đạo không quyết liệt, không minh bạch. Khi triển khai yêu cầu phải tách bạch đâu là vai trò của nhà đầu tư do công ty BOT điều hành, đâu là vai trò nhà thầu. Ban QLDA cần có thái độ rõ ràng, mạnh mẽ, kiên quyết, không ngại va chạm với nhà đầu tư, thậm chí mời ngân hàng cùng vào họp kiểm điểm hàng tháng để nắm được vấn đề và có các giải pháp tháo gỡ, tạo sự yên tâm khi đồng vốn họ bỏ ra được sử dụng đúng mục đích. Ban QLDA phải sâu sát, cùng gánh vác trách nhiệm, công việc với nhà đầu tư.

Không có thỏa hiệp, châm trước về mặt chất lượng

Pham Thanh Binh.

Ông Phạm Thanh Bình

Phó Tổng giám đốc

Ban QLDA Thăng Long

Về bản chất, mỗi dự án hạ tầng giao thông cung ứng một dịch vụ, sản phẩm cho xã hội, người dân và các nguồn vốn đều xuất phát từ tiền thuế và chi phí của người dân. Các nguồn vốn như ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA đều sử dụng từ tiền thuế của nhân dân; còn nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư BOT thì người dân cũng phải trả phí hàng ngày.

Trên cơ sở đó, quan điểm của Ban QLDA Thăng Long trong việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn là phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn vốn. Theo đó, việc sử dụng các nguồn vốn đều phải tuân thủ chung một mục đích quản lý là tạo ra sản phẩm có chất lượng, tốt nhất với giá thành tạo hiệu quả nhất. Đặc biệt, công trình phải đảm bảo chất lượng để người dân trả tiền ở mức thấp nhất nhưng tạo được hiệu quả dịch vụ cao nhất.

Xác định phương châm đó, Ban QLDA Thăng Long luôn tập trung vào việc đảm bảo chất lượng kỹ thuật. Bên cạnh đó, đối với các đề nghị phát sinh chưa hợp lý từ nhà đầu tư, Ban đều không chấp nhận, đặc biệt là “không có thỏa hiệp, châm trước về mặt chất lượng”.

Đối với trường hợp phát sinh trong quá trình triển khai dự án do thiết kế kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện thực tế thì Ban sẽ nghiên cứu và báo cáo với Bộ GTVT xem xét điều chỉnh.

Phương châm của Ban là đưa các dự án hạ tầng giao thông vào khai thác sớm ngày nào, người dân hưởng lợi ngày đó, góp phần giảm thiểu tai nạn và ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ nước ngoài và nhà đầu tư BOT đang tạo hiệu quả rất tốt và đẩy nhanh tiến độ từ 6 tháng đến 1 năm, điển hình là các dự án BOT vượt tiến độ 6 tháng như dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1.

Trách nhiệm đặt lên hàng đầu

Với sự tín nhiệm trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản do Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN làm chủ đầu tư, Ban QLDA 2 đã thực hiện công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng giao thông bằng đa dạng nguồn vốn khác nhau như: Vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn xã hội hoá BOT, BT, vốn vay ODA, vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản và Ngân hàng thế giới.

Với 23 năm thực hiện công tác quản lý, Ban QLDA 2 đã triển khai và thực hiên quản lý tổng số 74 dự án với tổng mức vốn đầu tư 76.180 tỷ đồng, đã giải ngân 45.182 tỷ đồng, bàn giao công trình đưa vào sử dụng 20.998km đường (18.997km đường giao thông nông thôn, 800km đường QL) và 203 cầu.

Các dự án Ban QLDA 2 đã và đang quản lý như: Dự án 29 cầu GTNT các tỉnh miền núi phía Bắc, Dự án 37 cầu GTNT các tỉnh đồng bằng sông Mê Kông, Dự án 44 cầu GTNT các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, Dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên); Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đang triển thi công và hoàn thành quý II/2017, QL2 đoạn Đoan Hùng - Thanh Thuỷ và QL3 tuyến tránh Thái Nguyên, QL37 Gia Phù - Cò Nòi; Dự án ĐTXD công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang; Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình…

Quản lý tốt các nguồn vốn luôn là mục tiêu được lãnh đạo Ban quán triệt đến từng bộ phận. Mỗi cán bộ, CNV của Ban phải luôn ý thức được trách nhiệm, cập nhật những thông tin mới về lĩnh vực chuyên môn, chủ động phối hợp với các đơn vị để dự án được triển khai hiệu quả, đóng góp một phần trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát huy hiệu quả to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành GTVT riêng.

Ông Phạm Hồng Sơn

Tổng giám đốc Ban QLDA 2

 

 

Dự án kêu gọi đầu tư là phải khả thi 

Duong Tuan Minh

Tổng công ty ĐTPT & QLDA

hạ tầng GT Cửu Long

Việc đầu tư xây dựng đối với các dự án hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn huy động rất lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bằng vốn ngân sách nhà nước ngày càng eo hẹp và nguồn vốn để triển khai thực hiện rất khó khăn. Chính vì thế, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng giao thông là rất cần thiết và cấp bách bởi việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân có tiềm năng rất lớn so với nguồn vốn của ngân sách.

Việc quan trọng hàng đầu là xác định dự án kêu gọi vốn đầu tư là khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Dự án phải nằm trong quy hoạch chiến lược phát triển GTVT. Nếu dự án chưa có trong quy hoạch nhưng qua thực tế khẳng định sự cần thiết và cấp bách, thì sẽ nghiên cứu, đề xuất và bổ sung vào quy hoạch để có căn cứ triển khai ngay.

Phải xây dựng cơ chế tài chính dự án có tính khả thi, hồ sơ kêu gọi đầu tư rõ ràng, minh mạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đây là cơ sở quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Bước tiếp theo là xác định các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm thi công, mạnh về tài chính để thành lập liên danh nhà đầu tư. Xác định nhà đầu tư đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm chính trong công tác xúc tiến chuẩn bị đầu tư (thường là CIPM), trách nhiệm các thành viên nhà đầu tư trong từng lĩnh vực cụ thể (lo vốn thi công, chuẩn bị thi công).

Đối với các dự án có vốn đầu tư lớn thì trong cùng một dự án có thể chia ra thành hai phần: Một phần đầu tư theo hình thức ngân sách nhà nước cấp phát (vốn ODA), một phần đầu tư theo hình thức xã hội hóa BOT, BT và nhà đầu tư được quyền thu phí toàn bộ dự án.

Dự án hạ tầng giao thông cần huy động vốn lớn, việc huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay theo quy định sẽ gặp khó khăn, cụ thể: Việc huy động vốn vay từ các định chế tài chính nước ngoài thường yêu cầu sự bảo lãnh từ phía Chính phủ. Huy động vốn vay từ các ngân hàng trong nước thì cần huy động từ nhiều ngân hàng do quy định về hạn mức tín dụng tối đa mỗi ngân hàng có thể cung cấp theo Luật các tổ chức tín dụng.

Để không tạo áp lực với ngân sách nhà nước, phương án hoàn vốn cho các dự án huy động từ nguồn vốn xã hội hóa chủ yếu từ thu phí sử dụng đường bộ với thời gian hoàn vốn thường khá dài (thường từ 20 - 30 năm).

Phải phân rõ trách nhiệm của các bên

Việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông là một bước đột phá của Ngành, sớm đưa hạ tầng giao thông hoàn thiện đồng bộ. Ban QLDA ATGT với hơn 10 năm thành lập và phát triển, từ việc chủ yếu quản lý các dự án trong lĩnh vực ATGT, những năm gần đây đã chủ động thích nghi xu hướng trong công tác quản lý các dự án xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, thực hiện việc đa dạng hóa các dự án khi sử dụng nguồn vốn ODA, TPCP đến các nguồn vốn BOT...

Hiện nay, Ban đang quản lý 6 dự án BOT với vai trò là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Dự án BOT Quảng Ngãi, Dự án BOT tuyến tránh Phủ Lý, Dự án BOT tuyến tránh Tây Thanh Hóa, Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Dự án BOT tuyến tránh Sơn La, Dự án BOO trạm thu phí không dừng) với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ, đặc biệt, các dự án này sử dụng 100% vốn chủ sở hữu và vốn vay của nhà đầu tư.

Việc đánh giá hiệu quả các dự án hiện nay còn sớm vì vòng đời của dự án BOT chỉ kết thúc sau thời gian thu phí, trong khi đó, các dự án BOT hiện nay do Ban quản lý chủ yếu mới trong giai đoạn xây dựng, chuẩn bị thu phí. Tuy nhiên, trong giai đoạn xây dựng có thể thấy các dự án được đầu tư theo hình thức BOT rất hiệu quả, nguồn vốn (bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vốn vay) đã được giải ngân theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dẫn đến các dự án hoàn thành đúng, thậm chí vượt kế hoạch.

Bên cạnh đó, còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý dự án BOT, đặc biệt là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng; quản lý chất lượng và điều hành dự án chưa đạt yêu cầu. Một số nguyên nhân có thể nêu ra:

- Mô hình đầu tư dự án theo hình thức PPP còn mới mẻ nên các quy định về pháp lý, sự hiểu biết đến mức sâu sắc đối với các dự án này còn hạn chế, dẫn đến việc còn lúng túng trong công tác điều hành; chưa phân rõ trách nhiệm, vai trò của các bên liên quan trong dự án, đặc biệt là về phía đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư BOT của nhà đầu tư chưa nhiều, nhà đầu tư chủ yếu đi lên từ nhà thầu thi công nên chưa thực sự có tư duy của nhà đầu tư BOT chuyên nghiệp. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn có quan điểm là vốn do họ bỏ ra nên việc phối hợp giữa nhà đầu tư với đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn lỏng lẻo, chưa được chặt chẽ o

Ông Hoàng Triệu Long

Trưởng phòng KTKH - Ban QLDA An toàn giao thông

Ý kiến của bạn

Bình luận