Tranh thủ kinh nghiệm quốc tế để triển khai thành công mô hình PPP

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/04/2018 14:58

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại Hội thảo Liên ngành về Kế hoạch triển khai Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam, do Bộ GTVT và Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng nay 26/4.


IMG_1085

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng đã được chú trọng đầu tư và cải thiện đáng kể, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, để đáp ứng được đòi hỏi về năng lực, chất lượng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về năng lực, tính kết nối giữa các phương thức.

Một trong những thách thức lớn là nguồn lực đầu tư hạn chế so với nhu cầu, nguồn lực đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 25%. Đối với nhiều quốc gia, hình thức PPP như là một công cụ để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công và giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định và chú trọng đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức PPP.

Ở Việt Nam, từ những năm 1997 đã kêu gọi đầu tư những dự án đầu tiên theo hình thức BOT. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như mới chỉ có nhà đầu tư trong nước và bên cung cấp tín dụng cũng chủ yếu là các ngân hàng thương mại trong nước với quy mô không lớn. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, một vấn đề đặt ra là cần phải tạo mọi điều kiện để có thể huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế. Từ năm 2008, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, chúng tôi đã triển khai thí điểm Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên dự án này đến nay vẫn chưa thể triển khai.

IMG_1083
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội thảo.

Thực hiện Nghị quyết số 52 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, giai đoạn từ nay đến 2021, Bộ GTVT tập trung triển khai một số dự án trọng điểm theo hình thức PPP đặc biệt là một số dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Để triển khai dự án này, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về một số cơ chế chính sách; Bộ KH&ĐT cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15 và xây dựng đề cương dự thảo Luật Đầu tư đối tác công tư. Tuy nhiên, để triển khai thành công dự án đường cao tốc Bắc Nam vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh Luật Đối tác công tư chưa được ban hành, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ. 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao Ngân hàng Thế giới đã hết sức quan tâm và giúp đỡ Việt Nam triển khai thí điểm mô hình PPP và hoàn thiện thể chế liên quan trong ngành GTVT.

" Hôm nay, Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Bộ GTVT tổ chức Hội thảo về Kế hoạch triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với mong muốn nhận được ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý về các thách thức, đề xuất các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đã triển khai thành công mô hình PPP nhằm giúp Bộ GTVT triển khai thành công Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn từ trong nước, các tổ chức tài chính quốc tế… để triển khai hiệu quả Dự án.

Bộ GTVT đã công bố danh mục dự án xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, 8 dự án được đầu tư theo hình đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng (vốn đầu tư Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng), gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.

Ý kiến của bạn

Bình luận