Lực lượng chức năng diễu hành tại Lễ ra quân Năm ATGT 2017 |
Nỗ lực giảm TNGT cả 3 tiêu chí
Khởi đầu năm mới 2017, tình hình TTATGT có nhiều diễn biễn phức tạp do đây là thời gian nhân dân cả nước đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cùng nhiều lễ hội xuân, đặc biệt là điều kiện thời tiết mưa rét, sương mù tại miền Bắc, lũ lụt ở miền Trung.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa, nhờ sự tiếp tục vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, công tác đảm bảo TTATGT trong Quý I/2017 ghi nhận những nỗ lực có phần mạnh mẽ hơn so với năm 2016.
Minh chứng rõ ràng nhất là TNGT trong 3 tháng đầu năm giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, cả nước xảy ra 4.812 vụ, làm chết 2.114 người, làm bị thương 3.835 người; so với cùng kỳ năm 2016, giảm 175 vụ (- 3,51%), giảm 80 người chết (- 3,65%), giảm 687 người bị thương (- 15,19%).
Ghi nhận thành quả đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương các bộ, ngành, các tổ chính chính trị xã hội, các địa phương đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các giải pháp đảm bảo TTATGT, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT và 34 tỉnh, thành phố có số người chết giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Quý II và những tháng còn lại trong năm 2017, dự báo với đà tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ tiếp tục tăng nhanh, tạo áp lực lớn về TTATGT. Vì vậy, để đạt mục tiêu kéo giảm TNGT cả tiêu chí từ 5 - 10%, giảm UTGT, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, ban ATGT tỉnh, thành phố phải tiếp tục nghiêm túc nhiệm vụ chiến lược.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được xác định là sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật TTATGT, cải thiện ATGT của kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và tập huấn người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; siết chặt kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường, tăng cường lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt…
Cần sớm ngăn chặn nguy cơ gia tăng TNGT
Mặc dù công tác đảm bảo TTATGT chuyển biến tích cực trong 3 tháng đầu năm nhưng thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi cộm trong đó là TNGT trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tăng cao so với 7 ngày đầu dịp nghỉ Tết Bính Thân 2016. Đặc biệt, từ ngày 01/01 đến 6/3/2017, toàn quốc xảy ra 21 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 51 người chết, bị thương 72 người, gây thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, công tác đảm bảo TTATGT đang đối diện với một số hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng TNGT, đó là tình hình xe ô tô kinh doanh hợp đồng tổ chức hoạt động theo mô hình tuyến vận tải cố định, đặc biệt là thực hiện đón, trả khách không đúng nơi quy định sâu trong nội đô TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác.
“Tình trạng xe dù, bến cóc đang có xu hướng tăng mạnh, gây mất TTATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định”, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận.
Mặt khác, tình hình xe ô tô chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…), khu vực có các công trường đang thi công (Hà Nội, Đà Nẵng) và tại các khu vực đang thu hoạch nông, lâm sản (Gia Lai, Bình Định). Trong 3 tháng đầu năm còn xuất hiện một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch, mặc dù không gây thiệt hại lớn về người nhưng gây thiệt hại về tài sản và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
CSGT xử lý xe chở quá tải trọng |
Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn trên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng bản chất xuất phát từ việc chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT. Vì vậy, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương. Nơi nào làm mạnh, quyết liệt thì chuyển biến, còn những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về TTATGT cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát. Còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí là tiêu cực, làm trái quy định.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện căn bản, nhưng vẫn còn tồn tại các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt là vấn nạn đường ngang không đảm bảo an toàn, lối đi dân sinh trái phép tồn tại tràn làn trên hệ thống đường sắt (5.700 điểm giao cắt, trong đó có 1.516 đường ngang hợp pháp có cảnh báo và 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp); hệ thống vạch sơn, tín hiệu, ký hiệu, biển báo giao thông còn bất cập trên nhiều tuyến đường bộ, không có gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè hành lang ATGT để tập kết vật liệu, nông, lâm sản, kinh doanh, trông giữ phương tiện… trái phép trên mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa diễn ra tràn lan.
Song hành với đó là sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là sự tăng nhanh của xe ô tô tải, xe ô tô con cá nhân và các loại xe hợp đồng hoạt động theo mô hình tuyến cố định trái phép trong các đô thị lớn; hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có TNGT và sự cố phương tiện là nguyên nhân dẫn đến vụ UTGT nghiêm trọng.
Trong khi đó, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều tiết giao thông, điều hành vận tải cũng như giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế. Kinh phí phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, thiếu cơ chế để địa phương tạo và duy trì nguồn ngân sách cho TTATGT, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí dành cho tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giải tỏa hành lang ATGT và xử lý khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.