Trật tự ATGT diễn biến phức tạp trong 6 tháng đầu năm

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 26/07/2018 05:59

Mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí, nhưng 6 tháng đầu năm tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người.

 

5J4A6315 copy

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường đảm bảo ATGT

Đường sắt liên tục xảy ra tai nạn

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Theo đó, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ TNGT, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người; so với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 594 vụ (-6,19%), số người chết giảm 31 người (-0,75%), số người bị thương giảm 908 người (-11,44%). Tuy nhiên, TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn diễn ra nhất là TNGT đường sắt.

Qua phân tích nguyên nhân, ông Khuất Việt Hùng cho biết, hiện nay nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí. Nguồn vốn do Nhà nước cấp còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang, xây dựng hàng rào đường gom, hàng rào hộ lan...; vốn đầu tư thiếu và giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ thi công của một số công trình, dự án ATGT chậm, thậm chí dừng, giãn tiến độ dẫn đến việc bảo đảm TTATGT đường sắt gặp nhiều khó khăn.

“Đặc biệt, lỗi do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường dân sinh chiếm tới 41,94%. Lỗi do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm khoảng giới hạn đường sắt và người đi bộ đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt chiếm 8,87%; lỗi do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang có biển báo chiếm 11,29%”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, các vụ TNGT đường sắt có nguyên nhân chủ yếu không phải do phía đường sắt mà do người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng cần phải xem xét một cách đúng mức hơn trong các vụ tai nạn. Trước thực trạng này, Trung tướng Sơn đề xuất cần bổ sung kiến thức khi đi qua đường sắt vào chương trình đào tạo, sát hạch lái xe. Ngoài ra, hiện còn tới 85% đường ngang dân sinh vi phạm chuẩn ATGT. Vì vậy, ngành Đường sắt, Đường bộ cần ưu tiên nguồn kinh phí khắc phục bất cập hạ tầng đường sắt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, những vụ TNGT đường sắt vừa qua là do lỗi của người tham gia giao thông đường bộ, khi đến điểm giao với đường sắt không quan sát trước khi vượt. Việc này rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương, các địa phương cũng phải bố trí kinh phí để làm gờ giảm tốc ở những đường ngang giao cắt với đường sắt.

Theo sát, đôn đốc địa phương có TNGT gia tăng

IMG_1607
6 tháng đầu năm, tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, đặc biệt là TNGT đường sắt

 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết, đặc biệt Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu giảm trên 30% số người chết do TNGT. Tuy nhiên, vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh, trong đó có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là: Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.

Là một trong những địa phương có số người tử vong tăng trên 100%, theo phân tích của Ban ATGT tỉnh Hải Dương, có đến 37,9% số vụ TNGT liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông (không chú ý quan sát, không đi đúng phần đường, làn đường, tránh vượt không đúng quy định, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông); 35% số vụ TNGT xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 - 24 giờ, điều này liên quan đến các yếu tố về điều kiện ánh sáng, thời tiết làm tầm nhìn bị ảnh hưởng. Nhiều nút giao giữa đường nhánh và đường chính bị khuất tầm nhìn, không có điện chiếu sáng, không có báo hiệu đường bộ giao nhau với đường ưu tiên và không có gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Còn tại Kiên Giang, lý giải vì sao TNGT gia tăng, đại diện Ban ATGT tỉnh cho biết những nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, có nồng độ cồn khi điều khiển xe, ngoài ra còn do mật độ phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ cao, mặt đường hẹp nhưng một số địa phương chưa quyết liệt xử lý hành vi tái lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT, nhất là các điểm họp chợ trên đường, trên cầu như: Chợ Mỹ Lâm, chợ Cầu số 2 (huyện Hòn Đất); chợ Phước Lợi (huyện Châu Thành); chợ Kinh 8 (Tân Hiệp); chợ Rạch Sỏi (TP. Rạch Giá)...

Bên cạnh những nguyên nhân chủ yếu này, ông Khuất Việt Hùng còn thông tin thêm, hiện nay còn tồn tại hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn ngoài đô thị, chưa đủ lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

“Tình trạng xe quá tải tại một số địa phương tái diễn gây mất ATGT do một số địa phương chưa thật sự vào cuộc, chưa xác định trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp quận, huyện trong quản lý tải trọng xe; còn thiếu quy định về kiểm tra tải trọng tại đầu mối hàng hóa và thiếu cân tải trọng xe tại các đầu mối nguồn hàng hóa”, ông Hùng cho biết.

Trước những tồn tại này, chỉ đạo về nhiệm vụ trọng tâm quý III/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là Chỉ thị số 32 về Kiểm soát tải trọng phương tiện, Chỉ thị số 04 về nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là những địa phương có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2018.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục ưu tiên sử dụng Quỹ Bảo trì Đường bộ để xử lý các “điểm đen“, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt, xây dựng Đề án “Bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm giao thông mùa mưa lũ

Ý kiến của bạn

Bình luận