Ảnh: Digital Trends |
Viện Y tế Quốc gia (NIH) ở Mỹ đang thực hiện nghiên cứu dài hạn đầu tiên về ảnh hưởng của thời gian xem màn hình thiết bị điện tử (điện thoại, TV, máy tính bảng, máy chơi game...) đến não bộ của trẻ, theo Insider ngày 11/12. Trong thập kỷ tới, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi 11.000 trẻ, hiện ở độ tuổi 9-10, suốt quá trình trưởng thành cùng các thiết bị điện tử.
"Chúng ta sẽ biết trẻ dành bao nhiêu thời gian cho việc xem TV, điện thoại; chúng cảm nhận gì về tác động của những thiết bị này, kết quả như thế nào. Điều đó giúp trả lời câu hỏi chúng có nghiện hay không", Gaya Dowling, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Dù mới ở giai đoạn ban đầu, những phát hiện sớm nhất của nghiên cứu cho thấy chỉ hai tiếng mỗi ngày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Các chuyên gia xác nhận rằng trẻ sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn khoảng thời gian này có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra về tư duy và kỹ năng ngôn ngữ.
Theo tiến sĩ Dimitri Christakis, tác giả chính của bản hướng dẫn mới nhất về sử dụng thiết bị điện tử của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), tác động xấu xảy ra do trẻ không biết cách biến những kỹ năng học được từ thiết bị điện tử thành kỹ năng thực tế trong thế giới đa chiều.
"Nếu bạn đưa cho trẻ một ứng dụng trò chơi gồm các khối lego ảo để lắp ráp, sau đó đặt các khối lego thật trước mặt, chúng sẽ phải mò mẫm làm lại từ đầu", ông nói.
Theo khuyến cáo của Christakis, việc giao tiếp mặt đối mặt rất quan trọng và trẻ mới biết đi trong độ tuổi 18-24 tháng không nên xem màn hình điện tử, trừ gọi video. Hướng dẫn của AAP cũng đề nghị phụ huynh theo sát trẻ nhỏ bất cứ khi nào chúng dùng những thiết bị này. Nhờ đó, bố mẹ có thể dạy con tập vận dụng kiến thức vừa xem được vào thế giới thực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.