Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên kiểm soát việc trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử bởi chúng có tác động tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ảnh: Eurasia. |
Một người có khả năng sử dụng song ngữ thực thụ là điều tuyệt vời. Hai từ "thực thụ" được hiểu là dùng 2 ngôn ngữ thành thạo như tiếng mẹ đẻ. Đây cũng là điều mà rất nhiều người đang vật lộn với việc học ngôn ngữ ở trường và ngoài đời luôn ao ước.
Việc cho trẻ sớm tiếp xúc nhiều hơn một ngôn ngữ có thể mang lại lợi thế nhất định, đặc biệt là sự thuận lợi trong việc hình thành phát âm của ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, để làm được điều này, trẻ em phải nỗ lực rất nhiều và cần sự hỗ trợ tích cực của người lớn.
Nên sử dụng điện thoại, iPad không quá 60 phút/ngày
Hanen, trung tâm phát triển văn hóa và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ ở Canada, dẫn một nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi (HSC) nước này, theo dõi gần 900 trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi. Kết quả cho thấy những đứa trẻ tiếp xúc nhiều nội dung trên thiết bị di động (điện thoại thông minh, iPad...) có nguy cơ cao bị chậm phát triển kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng nói các từ và câu kém.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu thời gian trẻ dùng các thiết bị màn hình cầm tay tăng thêm 30 phút mỗi ngày, nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ tăng thêm 49%.
Một nghiên cứu khác, khảo sát hơn 1.000 cha mẹ có con dưới 2 tuổi, cho hay trẻ xem càng nhiều video thì càng kiệm lời. Với mỗi giờ xem thêm video hàng ngày, trẻ từ 8 đến 16 tháng tuổi trung bình sẽ nói ít hơn từ 6 đến 8 từ.
Những nghiên cứu mới này chỉ ra rằng việc cho trẻ xem nội dung trên các thiết bị cầm tay mà không được kiểm soát dẫn đến các nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ và hậu quả là trẻ nói ít hơn.
Hiệp hội Nhi khoa Canada khuyến cáo với trẻ dưới 2 tuổi, người lớn không nên cho tiếp xúc các thiết bị di động. Trẻ 2-5 tuổi, mỗi ngày, chỉ nên sử dụng không quá 60 phút.
Học viện Nhi khoa Mỹ cũng khuyên phụ huynh có con từ 2 đến 5 tuổi nên lựa chọn các chương trình có nội dung chất lượng, cùng xem, trò chuyện, giải thích cho con, tạo kết nối giữa những thứ con xem với trải nghiệm của trẻ hàng ngày.
Những gì trẻ xem (nội dung) và cách chúng xem (tương tác với người lớn hay xem một mình) có thể còn quan trọng hơn thời lượng mà chúng xem video.
Tiếp xúc ngôn ngữ qua người thực
Theo The New York Times, nhà tâm lý học phát triển Erika Hoff, GS Đại học Florida Atlantic, Mỹ, tác giả của bài viết về phát triển song ngữ (năm 2015), cho biết: "Bất cứ ai muốn dạy con từ 2 thứ tiếng trở lên đều phải biết rằng để học được một ngôn ngữ, người học phải tiếp xúc thật nhiều với ngôn ngữ đó".
Các bác sĩ nhi khoa thường khuyên cha mẹ nên nói chuyện, đọc hoặc hát cho con nghe càng nhiều càng tốt. Mục đích của việc này là giúp trẻ được tiếp xúc thứ tiếng đó nhiều hơn, ngay cả khi con bạn chỉ học một ngôn ngữ.
Để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ, trẻ phải được tiếp xúc ngôn ngữ trực tiếp với người khác. Ảnh: New York Times |
Đặc biệt, để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ, trẻ phải được tiếp xúc trực tiếp với con người. Học qua màn hình điện thoại, iPad, tivi… không phải là cách phù hợp trẻ nhỏ. Xem qua màn hình giúp học nội dung và từ vựng nhưng chỉ tốt khi chúng lớn hơn.
"Khi học song ngữ, đứa trẻ cần được tiếp xúc cả hai ngôn ngữ", giáo sư Hoff nói.
Các bác sĩ nhi khoa còn khuyên cha mẹ nên đọc to, hát, kể hoặc nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ để trẻ tiếp xúc ngôn ngữ phong phú và phức tạp. Điều này tốt hơn nhiều so với việc bạn được nghe ai đó nói thứ ngôn ngữ mà họ không thông thạo.
Nhiều phụ huynh làm mọi cách để con được tiếp xúc ngôn ngữ nhiều nhất. Một số gia đình quyết định phân chia, vợ nói một thứ tiếng với con và chồng dùng thứ tiếng khác. Tuy nhiên, theo giáo sư Hoff, đứa trẻ có thể phân loại ngay cả khi cha hoặc mẹ nói đồng thời 2 thứ tiếng.
"Không có nghiên cứu nào cho thấy trẻ em cần nói đúng loại ngôn ngữ với đúng người để khỏi nhầm lẫn", nữ giáo sư tại ĐH Florida Atlantic cho hay.
Các bác sĩ nhi khoa khuyên cha mẹ nên đọc to, hát, kể hoặc nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ để trẻ tiếp xúc ngôn ngữ phong phú và phức tạp. Ảnh: WP. |
Dĩ nhiên, học 2 thứ tiếng sẽ mất nhiều thời gian hơn học đơn ngữ. Một lần nữa, chúng ta phải nhắc lại 2 từ "tiếp xúc".
"Một đứa trẻ học song ngữ sẽ có vốn từ vựng ở mỗi ngôn ngữ ít ỏi hơn đứa trẻ học đơn ngữ. Hàng ngày, chúng phải nghe cả 2 loại ngôn ngữ nhưng sẽ thích nghi được, bà Hoff chia sẻ.
GS Hoff làm việc tại nam Florida, Mỹ - nơi có lượng lớn dân cư trí thức cao và giàu có - dạy con cái bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Những đứa trẻ ở đây học song ngữ từ nhỏ, nhưng khi lớn, khả năng tiếng Anh của chúng giỏi hơn tiếng Tây Ban Nha.
Nguyên nhân được cho là chúng không học tiếng Tây Ban Nha ở trường, không đọc sách bằng ngôn ngữ của xứ sở bò tót. Hầu hết môi trường họ tiếp xúc chỉ có tiếng Anh. Và dĩ nhiên, vốn từ vựng, ngữ pháp hay sự kết nối câu chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha của họ chắc chắn không thành thạo bằng tiếng Anh", nữ giáo sư cho biết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.