Ngày 28/12, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, hiện trên hệ thống đường sắt quốc gia có 4 dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt đang cùng triển khai thi công, trong đó 3 dự án trên tuyến đường sắt quốc gia Bắc – Nam và dự án cải tạo các nhà ga phía Bắc. Trong năm 2024, Ban QLDA đường sắt sẽ hoàn thành và bàn giao cho cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng 6/13 gói thầu thuộc các dự án trên, cũng như tiếp tục triển khai các gói thầu còn lại.
Các dự án gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội – Vinh; Dự án nâng cấp, cải tạo đoạn Vinh – Nha Trang; Dự án nâng cấp, cải tạo đoạn Nha Trang – Sài Gòn (cùng thuộc tuyến đường sắt quốc gia Bắc – Nam); Dự án cải tạo 7 nhà ga phía Bắc thuộc tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng, Yên Viên – Lào Cai.
Cụ thể, Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội – Vinh có tổng chiều dài hơn 320 km, có tổng mức đầu tư khoảng 811 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian năm 2022 – 2025.
Phạm vi vi thi công là các đoạn đường sắt thuộc địa bàn các địa phương: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Các hạng mục chính của dự án: Cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn; cải tạo bình diện các vị trí có bán kính đường cong nhỏ (R<400m) và một số hạng mục công trình bảo đảm khai thác đồng bộ (cống thoát nước...); Xử lý điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; cải tạo, nâng cấp 10 cầu yếu (trong đó xây mới 5 cầu). Mục tiêu dự án nhằm cải thiện được tốc độ chạy tàu một số khu đoạn, nhất là qua các cầu đường sắt.
Tương tự, Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh – Nha Trang được thực hiện trong thời gian 3 năm (2022 – 2025). Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.189 tỷ đồng, tổng chiều dài dự án khoảng 995,728 km. Cùng với cải tạo, nâng cấp hạ tầng như đoạn Hà Nội – Vinh, dự án này còn bao gồm cải tạo, nâng cấp một số ga hành khách, hàng hóa trên tuyến.
Đang được triển khai thi công cùng hai dự án trên là Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM đoạn Sài Gòn – Nha Trang với tổng mức đầu tư gần 1.099 tỷ đồng. Phạm vi dự án có tổng chiều dài 411 km, có điểm đầu tại ga Nha Trang (Km1314+930 và điểm cuối tại ga Sài Gòn (Km1726+200), nhằm nâng cấp, cải tạo một số đoạn tuyến, cầu trên tuyến và nhà ga (trong đó có ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dương).
Nói thêm, trước các dự án trên, đoạn đường sắt Bắc - Nam đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng bằng nguồn vốn dự án gói 7.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020. Dự án này giúp cải thiện chất lượng hạ tầng, nhà ga trên tuyến, giúp nâng tốc độ chạy tàu và khai thác hệ thống ga, nhất là ga hàng hóa.
Đối với dự án cải tạo các ga phía Bắc, Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2022 với phạm vi cải tạo, nâng cấp 3 ga hành khách Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương (tuyến Hà Nội - Hải Phòng); 4 ga hàng hóa Vật Cách (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng), ga Đồng Đăng và Lạng Sơn (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên - Lào Cai).
Dự án có tổng mức đầu tư 470 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, công trình cải tạo ga Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương… đang thi công các hạng mục cuối cùng để hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.