Một đoạn hướng tuyến Vành đai 3 tại cuộc họp của thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chủ trì |
Mới đây, sau cuộc họp giữa lãnh đạo bốn địa phương có tuyến đường vành đai 3 đi qua, UBND TP.HCM đã chính thức trình Chính phủ phương án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM. Theo đó, bốn địa phương thống nhất kiến nghị trung ương hỗ trợ ngân sách khoảng 83.290 tỉ đồng để đầu tư dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng hiện nay tiến độ chuẩn bị dự án đã chậm, cần quyết liệt triển khai mới có thể kịp trình tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV theo yêu cầu của Chính phủ. Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền và yêu cầu sớm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Hiện nay 4 tỉnh có dự án đi qua gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai đều gặp khó khăn về nguồn vốn ngân sách sử dụng cho dự án. Sau nhiều năm loay hoay tìm vốn cho dự án đến nay khi nhu cầu giao thông cang tăng cao, áp lực lên quy hoạch giao thông liên vùng là rất lớn. Chính vì vậy dự án đường Vành đai 3 là vô cùng cấp thiết cho sự phát triển của khu vực. UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho thành phố sẽ là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 3 theo quy định Khoản 1, Điều 19 Luật đầu tư công. UBND Tp.HCM sẽ chủ trì lập báo cáo và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tổng thể (trong đó phân chia các dự án thành phần để các địa phương thực hiện).
Theo Sở GTVT TP.HCM, các địa phương đã đưa ra bốn kịch bản cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Kịch bản 1: Đầu tư PPP toàn tuyến, bao gồm GPMB, đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư. Đây là mức tối đa tham gia vốn của Nhà nước theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Kịch bản 2: Đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm phần GPMB và đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư.
Kịch bản 3: Đầu tư PPP phần đường cao tốc và đường song hành, không bao gồm GPMB, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư.
Kịch bản 4: Đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, thời gian hoàn vốn 29 năm.
Sở GTVT TP.HCM cho biết đây là dự án lớn thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Đây là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TP với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc khép kín đường vành đai 3 là điều kiện cần để việc đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, tạo động lực, đột phá phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả vùng.
Cũng theo Sở GTVT TP, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đường song hành hai bên của dự án rất lớn, khoảng 52.468,15 tỉ đồng. TP.HCM và các tỉnh chưa thể cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025.
Trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) thì tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư chỉ chiếm khoảng 18% so với tổng mức đầu tư của dự án. Thời gian hoàn vốn kéo dài 29 năm nên khó hấp dẫn nhà đầu tư và tính khả thi chưa cao. Theo đó, cần phải trình Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng cho dự án.
Với phương thức đối tác công tư và sử dụng nguồn vốn ngân sách của các địa phương để thực hiện GPMB cũng rất khó khăn, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021-2026. Số vốn trên chưa bao gồm các đoạn tuyến kết nối trên địa bàn TP.HCM (khoảng 7.500 tỉ đồng), tỉnh Đồng Nai (khoảng 800 tỉ đồng) và chưa đầu tư đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (khoảng 11.862,31 tỉ đồng).
Do vậy, sau cuộc họp, bốn địa phương thống nhất kiến nghị trung ương hỗ trợ tổng ngân sách để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỉ đồng, gồm chi phí GPMB một lần theo quy mô hoàn chỉnh và đầu tư đường song hành hai bên.
Trường hợp vốn ngân sách trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí GPMB khoảng 46.971 tỉ đồng. Với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong giai đoạn 2021-2026.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.