Trình Quốc hội dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 17.837 tỷ

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 25/05/2022 15:47

Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ.


Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Đầu tư công, cơ bản hoàn thành năm 2025

Theo đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 53,7 km, đi qua TP Biên Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2 km); thị xã Phú Mỹ, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5 km). Từ điểm đầu dự án, tuyến đi theo hướng Đông Nam, song song và cách QL51 hiện hữu với khoảng cách trung bình 700 - 1.500m, giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao và tiếp tục đi theo hướng Đông Nam, kết thúc tại nút giao với QL56.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô quy hoạch 6 - 8 làn xe. Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, kiến nghị giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch; phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang với quy mô 4 - 6 làn xe.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn vận hành khai thác nhằm bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và các cơ quan quản lý, khai thác dự án.

Dự án khả thi về tài chính và đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc triển khai theo phương thức đối tác công tư có ưu điểm là giảm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án, giảm áp lực lên ngân sách Trung ương trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế và phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng. Dự án nhận được sự quan tâm của một liên danh nhà đầu tư.

Tuy nhiên, qua so sánh, đánh giá về trình tự, thủ tục triển khai theo phương thức đối tác công tư với triển khai theo hình thức đầu tư công và thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư thời gian gần đây, cần thiết chuyển đổi dự án sang hình thức đầu tư công. Tờ trình của Chính phủ cho biết, lý do cần chuyển đổi là dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025, đặc biệt đoạn đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong khi việc triển khai theo phương thức đối tác công tư đến năm 2026 mới cơ bản hoàn thành.

Tại các Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và hoàn thành, đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có khoảng 12,6 km đi trùng với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đồng thời có vai trò gom và giải tỏa hành khách, hàng hóa cho cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Vì vậy, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải cơ bản hoàn thành năm 2025, đặc biệt đoạn 12,6km đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm nối thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và gom, giải tỏa hành khách, hàng hóa cho cảng hàng không quốc tế Long Thành”, Tờ trình của Chính phủ nêu.

Theo quy định pháp luật hiện hành và cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2012/QH15 chưa cho phép chỉ định nhà đầu tư. Nếu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, sớm nhất tháng 3/2024 có thể khởi công Dự án; trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt (tài chính và kinh nghiệm) và thu xếp tín dụng thành công, đến năm 2026 mới có thể cơ bản hoàn thành.

Thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư thời gian qua cho thấy còn một số bất cập

Cơ quan nhà nước không thể bảo đảm chắc chắn sự thành công của dự án vì có rủi ro trong việc lựa chọn nhà đầu tư và thu xếp vốn tín dụng, đặc biệt thời gian thu xếp tín dụng tại thời điểm hiện nay rất khó kiểm soát. Khi chưa tổ chức đấu thầu, không có cơ sở để ràng buộc nhà đầu tư bằng các bảo lãnh thực hiện. Thực tế triển khai vừa qua, có nhà đầu tư mặc dù đáp ứng hoặc vượt yêu cầu về vốn chủ sở hữu theo hồ sơ dự thầu nhưng khi thực hiện, việc thu xếp vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng đều rất khó khăn.

Cùng với đó, huy động vốn tín dụng và nhà đầu tư nước ngoài khó khả thi do đều yêu cầu một số bảo lãnh vượt quá quy định pháp luật hiện hành. Trong khi, vốn tín dụng dài hạn trong nước rất khó khăn. Chính phủ đã nhận diện những bất cập, vướng mắc nêu trên và đang chỉ đạo Bộ GTVT tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai các dự án BOT trong 10 năm qua làm cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Do đó, để bảo đảm thành công của Dự án, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước. Hình thức này bảo đảm tiến độ dự án và vẫn phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng.

Tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023

Thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đền bù giải phóng mặt bằng...), thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2 - 3 năm. Chính vì vậy, nếu theo trình tự, thủ tục hiện nay, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn. Đồng thời, Dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai có khối lượng GPMB, tái định cư lớn nên thời gian thực hiện dự án khó rút ngắn nếu không áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù.

Với các điều kiện đặc thù nêu trên, Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng, dự kiến tiến độ thực hiện dự án như sau: chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng, bao gồm: Chi phí xây dựng là 7.833 tỷ đồng; Chi phí thiết bị là 473 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) là 6.629 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 997 tỷ đồng; Chi phí dự phòng (không bao gồm dự phòng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) là 1.905 tỷ đồng.

Kết quả tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được so sánh với chi phí đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô, tính chất tương đồng đang triển khai đầu tư trong cùng khu vực, so sánh với suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình do Bộ Xây dựng ban hành cho thấy bảo đảm độ tin cậy.

Trên cơ sở tiến độ triển khai các hạng mục công việc của Dự án, dự kiến nhu cầu bố trí vốn để cơ bản hoàn thành dự án trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng (khoảng 80% sơ bộ tổng mức đầu tư), chuyển tiếp, hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 3.567 tỷ đồng (khoảng 20% sơ bộ tổng mức đầu tư).

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ các nguồn vốn sau để thực hiện dự án gồm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho dự án là 5.360 tỷ đồng; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT sau khi rà soát, sắp xếp lại là 465 tỷ đồng; Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là 3.500 tỷ đồng; Tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 là 1.675 tỷ đồng; Nguồn ngân sách địa phương khoảng 3.270 tỷ đồng.

Như vậy, toàn bộ nguồn vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án đã được cân đối đầy đủ. Nguồn vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2006 - 2030 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Ý kiến của bạn

Bình luận