Trình Quốc hội dự án cao tốc nối Khánh Hòa với Tây Nguyên

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 06/05/2022 10:36

Chính phủ vừa có tờ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).


Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Bản đồ hướng tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025

Theo đó, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) dài khoảng 117,5km, điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong; điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô quy hoạch 4 làn xe. Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để bảo đảm hiệu quả đầu tư, kiến nghị giải phóng mặt bằng ngay theo quy mô quy hoạch được duyệt, đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và hướng dẫn thiết kế, tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc; bảo đảm khai thác an toàn, đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ, bảo đảm thuận lợi khi thực hiện mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.

Thời gian thực hiện triển khai các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đền bù giải phóng mặt bằng,...), thời gian thi công hoàn thành công trình tối thiểu từ 2 - 3 năm. Vì vậy, nếu theo trình tự, thủ tục hiện nay phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn.

Bên cạnh đó, đối với dự án này, đoạn giữa tuyến trên địa phận tỉnh Đắk Lắk nằm trong vùng có địa hình khó khăn chủ yếu là núi cao, nhiều vị trí hầm dài, cầu có trụ cao. Đây là tuyến đi mới hoàn toàn xa hệ thống đường hiện hữu nên điều kiện để tiếp cận mặt bằng, tập kết máy móc thiết bị, vật liệu để triển khai thi công khó khăn. Đồng thời, đặc điểm thời tiết và khí hậu vùng Tây Nguyên chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa mưa (thường từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm) tác động trực tiếp đến việc triển khai thi công hạng mục của dự án.

Với các điều kiện đặc thù nêu trên, Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng dự kiến tiến độ hoàn thành dự án như sau: chuẩn bị dự án năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Đầu tư bằng vốn ngân sách, thu phí hoàn vốn cho Nhà nước

Trong tờ trình, Chính phủ cho biết, mặc dù, dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề động lực, không gian mới cho phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuy nhiên, nhiều lợi ích như nguồn lợi từ quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực,... nhà đầu tư không thể thu hồi vốn trực tiếp trên đầu phương tiện.

Theo tính toán, nếu đầu tư theo phương thức đối tác công tư, mức vốn góp của nhà nước lên đến 82% tổng mức đầu tư với thời gian hoàn vốn 22 năm, vượt quá mức tối đa 50% theo quy định của Luật PPP. Do vậy, Chính phủ kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ thu phí để hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng 15.309 tỷ đồng; Chi phí thiết bị 368 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) 2.300 tỷ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 1.097 tỷ đồng; Chi phí dự phòng (không bao gồm dự phòng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) 2.861 tỷ đồng.

Kết quả tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được so sánh với chi phí đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô, tính chất tương đồng đang triển khai đầu tư trong cùng khu vực, so sánh với suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình do Bộ Xây dựng ban hành cho thấy cơ bản bảo đảm độ tin cậy.

Trên cơ sở tiến độ triển khai các hạng mục công việc của dự án, dự kiến nhu cầu bố trí vốn để cơ bản hoàn thành dự án trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 17.553 tỷ đồng (khoảng 80% sơ bộ tổng mức đầu tư), nhu cầu vốn năm 2026 khoảng 4.382 tỷ đồng (khoảng 20% sơ bộ tổng mức đầu tư).

Ngoài nguồn vốn đã dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án này, Chính phủ đã huy động từ các nguồn khác nhau, gồm: Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương (từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.

Theo đó, nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phân bổ của Bộ GTVT khoảng 8.515 tỷ đồng; Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 2.320 tỷ đồng; Nguồn ngân sách địa phương là 1.265 tỷ đồng; Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương khoảng 4.745 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận