Nhắc đến nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam khán giả sẽ rất tò mò muốn biết vì sao bạn muốn trở thành một phi công và niềm đam mê đến từ khi nào?
- Trước hết, Phương muốn bổ sung một chút thông tin. Nếu nói đúng hơn về nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam, người đầu tiên trong lịch sử là chị Nguyễn Ly Hương - bay ATR72. Còn Phương mới là người đầu tiên trên Airbus A321 thôi.
Giấc mơ trở thành phi công của Phương tới từ thuở bé. Lúc đó Phương khoảng chừng 3 tuổi. Trên một chuyến đi du lịch về Việt Nam máy bay của Singapore đã dừng lại tại Singapore. Trong lúc chờ đợi, Phương với mẹ đã ngắm nhìn Boeing 747 của hãng Singapore Airlines và thích thú với những người trên buồng lái.
Phương hỏi: "Mẹ ơi, những người đó họ đang làm gì?" thì mẹ mới giải thích họ là phi công. Xong Phương mới nói: "Ồ vậy thì có phải vị trí mẹ với con ngồi hay không?". Bà nói: "Không phải, họ lái máy bay" và Phương nói: "Ồ vậy mai này con muốn ngồi ở đó.
Những thử thách và trở ngại lớn nhất khi bạn làm phi công? Bạn đã vượt qua những thử thách ấy ra sao?
- Phương nghĩ mỗi khi có một chuyến bay nào từ Bỉ đi về quê hương mình đều phải lái máy bay và với cho Phương máy bay nó gắn bó với mối tình, mình gắn bó với quê hương, với Việt Nam, với cánh đồng lúa, với những người thân. Phương nghĩ đó là một mối quan hệ Phương muốn giữ gìn với người thân và đi máy bay để gặp họ.
Làm một cơ trưởng nam đã rất khó khăn vậy với cơ trưởng nữ sẽ còn khó khăn hơn nhiều?
- Phương nghĩ cái khó khăn đầu tiên mà Phương gặp là áp lực. Tại mình vẫn là phụ nữ trong một nghề hầu hết là nam giới. Nếu so với thống kê thế giới trong ngành hàng không thì chỉ có 3% là nữ phi công còn 97% là nam. Phương còn quá trẻ, đó là áp lực đầu tiên. Kinh nghiệm mình cũng vừa phải, không gọi là non nớt cũng không quá nhiều kinh nghiệm.
Nên cái đầu tiên là làm sao để mình có thể chứng tỏ với những người đồng nghiệp mình có khả năng, có sự quyết đoán và những quyết định của mình là đúng và mình đã cố gắng đến đâu để có được vị trí ngày hôm nay.
Phương nghĩ một khi đã là phi công thì không còn là chuyện là nam hay nữ. Suy nghĩ của mình phải khác biệt ở điểm đó trước đã. Khi đã vào buồng lái thì chỉ là đồng nghiệp với nhau thôi. Dù mình là nữ đi chăng nữa, mình có yếu hơn về mặt sức khỏe thì mình phải bằng họ.
Nỗ lực của mình phải bằng họ. Phương nghĩ mọi người đều học hành, cố gắng nhiều như nhau cả nhưng cơ hội và may mắn nó đến với ai trước thôi. Một khi mình đã lựa chọn công việc này, đặc biệt phụ nữ mà lựa chọn công việc này thì hầu như cá tính của mọi người tương đương như nhau cả. Có nghĩa là về kiến thức, kinh nghiệm bay mọi người sẽ có quyết định tốt nhất vào lúc đó và sẽ không có gì phải giao động cả. Trong ngành phi công quan trọng là phải quyết đoán, không được lưỡng lự và phải suy nghĩ đến an toàn đầu tiên.
Có bao giờ bạn phải cầm lái khi tâm trạng đang mệt mỏi hay khó chịu chưa?
- Dĩ nhiên sẽ có những lúc mình hơi mệt mỏi. Những giây phút đó, mình cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, tâm trạng thật tốt. Đôi khi mình có thể chia sẻ với đồng nghiệp bên cạnh là hôm nay tâm trạng tôi không được tốt lắm để người ấy biết là sức khỏe của mình như thế nào.
Như vậy mình sẽ được sự hỗ trợ từ phía phi hành đoàn. Mọi người hay nghĩ một chuyến bay, quan trọng nhất là cơ trưởng. Nhưng thực sự là không phải. Trên mỗi chuyến bay, tất cả mọi người đều có nhiệm vụ riêng và quan trọng cả từ cơ trưởng, cơ phó, tiếp viên trưởng, phi hành đoàn, tất cả mọi người đều đem an toàn cho mỗi chuyến bay.
Trong môi trường làm việc toàn nam giới bạn đã bao giờ cảm thấy bị kỳ thị hay khó nói chuyện với những đồng nghiệp nam hay chưa?
- Cái đó cũng khó nói lắm bạn ạ. Phương nghĩ đơn giản là trong cái ngành của Phương và đặc biệt trong hãng của Phương là Vietnam Airlines đó thì Phương được may mắn là từ lúc Phương bay là cơ phó, lúc huấn luyện lên cơ trưởng và trở thành cơ trưởng chính thức, Phương luôn nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp.
Sự ủng hộ đó nó rất quan trọng cho mình. Có nghĩa là ở đây, những đồng nghiệp đó rất hãnh diện là đã có những người phụ nữ Việt Nam đạt được cái vị trí đó. Và đó là hình ảnh hoàn toàn mới mẻ của đất nước mình đem cho quốc tế. Đó là điều mình nên tự hào.
Tức là bạn chưa bao giờ phải đối mặt với sự tiêu cực từ những người xung quanh, đồng nghiệp hay là bên ngoài?
- Tiêu cực thì Phương nghĩ là không, nhưng tò mò là có. Nghi ngờ ban đầu của mọi người cũng có một chút chứ không phải là không. Đôi khi mình phải bay với một người cơ phó họ lớn tuổi hơn mình, lại là nam cũng khó cho họ, tại vì mình là người đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng một khi đã là đồng nghiệp với nhau, chia sẻ với nhau thì sẽ có một sự thông cảm. Và lúc đó có sự hỗ trợ chung với nhau, hoàn toàn 100%.
Đông Phương sẽ chia sẻ gì với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ đang có khao khát trở thành phi công tại Việt Nam?
Cái câu hỏi này cũng rất nhiều bạn đã hỏi Phương qua mail, Facebook, messenger, thì sẵn tiện đây Phương cũng nói luôn. Nếu bạn có ước mơ nào đó, không chỉ riêng là phi công hay ngành hàng không nói chung, thì khi mình đã có ước mơ rồi thì mình phải làm mọi thứ để ước mơ đó thành sự thật. Tại vì cuộc sống mình chỉ có một thôi, mình hãy sống mỗi ngày với ước mơ thì cuộc sống mới có ý nghĩa.
Trong quá trình làm nghề của bạn, bạn thấy sự hi sinh lớn nhất của mình có phải là thời gian?
- Ai làm ở ngành bay hay tiếp viên thì thời gian dành cho gia đình hầu như không có. Những người xung quanh mới thật sự là người hi sinh chứ không phải mình. Ví dụ những công việc mà mình muốn làm hàng ngày, có đôi khi là lễ, tết, sinh nhật, hay là những dịp lễ quan trọng trong gia đình mình lại không có mặt mọi người lại buồn. Có một sự chia sẻ nào đó và thực sự cần những người xung quanh mình có sự thông cảm.
Bạn có thể chia sẻ cảm xúc về chuyến bay mà tất cả từ cơ trưởng lẫn tiếp viên đều là nữ?
- Phương vẫn nhớ người bay cùng mình hôm đó là bạn Ngọc Bích nói: "Ủa, không lẽ hôm nay toàn nữ không à ta?" và khi phát hiện ra mọi người mới cười ồ lên. Đấy là một sự tình cờ, không hề ai nghĩ trên chuyến bay toàn nữ vì lịch bay đã bị thay đổi và bỗng dưng Bích với Phương bay chung với nhau.
Hai người bạn bay chung với nhau đã thấy hơi lạ rồi nhưng khi quay lại thấy tiếp viên đều là nữ nên mọi người rất vui và phấn khởi trên chuyến bay đó. Và mọi người nói: ''Thôi, hãy chụp một tấm hình kỷ niệm đi vì chuyện này hơi hiếm hoi".
Nhưng mọi người lại không ngờ bức hình đó có thể đạt được tầm ảnh hưởng lớn như vậy trên mạng xã hội và khiến các độc giả và khán giả, ai nấy đều mến mộ cái hình ảnh đó. Phương nghĩ đó là một bước rất quan trọng về mặt xã hội, trên phương diện tâm lý về nhận thức của người phụ nữ Việt Nam và người Việt Nam nói chung. Có thể nói về mặt quốc tế nữa vì bức hình đó đã đăng lên cái website của phi công toàn cầu. Phương nghĩ mình có thể hãnh diện về phụ nữ Việt Nam ngày hôm nay.
Các hành khách trên chuyến bay đó có nhận thấy sự đặc biệt trong cái phi hành đoàn?
- Lúc đầu họ chưa nhận ra. Khi Phương là người phát ngôn cho hành khách lúc giới thiệu tên Huỳnh Lý Đông Phương, mọi người nghĩ có thể là nam giới, có thể là nữ giới, họ chưa chắc hoàn toàn. Cho đến khi mà Phương giới thiệu tôi là cơ trưởng đang phát ngôn thì lúc đó hành khách mới ngạc nhiên là không lẽ chuyến bay này toàn là nữ không. Sự thực đúng là như vậy.
Một chuyến bay toàn là nữ sẽ rất thú vị nhưng nếu một chuyến bay toàn là nam và chỉ bạn là cơ trưởng nữ thì sẽ có gì đặc biệt?
- Nếu chuyến bay toàn nam thì lúc đó mình thấy tỉ lệ được thay đổi rồi đó.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.