Trong số hàng trăm chiếc trống đồng cổ được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa, trống đồng Cẩm Giang được đặt ở vị trí trang trọng nhất. |
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang trưng bày hàng trăm chiếc trống đồng cổ, trong đó độc đáo nhất là trống đồng tượng vịt Cẩm Giang được công nhận bảo vật quốc gia vào ngày 30/12/2013.
Trống cổ từng được trả giá 70 triệu đồng vào năm 1992
Vào ngày cuối tháng 9/1992, trong khi đang làm vườn, ông Bùi Đức Tậu (thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) phát hiện chiếc trống đồng cổ. Dù nằm sâu 1,5 m trong lòng đất từ rất xa xưa nhưng trống còn khá nguyên vẹn, chỉ sứt mẻ đôi chỗ.
Nghe tin ông Tậu đào được trống cổ, những tay buôn đồ cổ có tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc tìm về thôn Phú Lai săn hàng độc. Có khách ở Hà Nội sau khi xem hàng đã trả 70 triệu đồng để mua trống, nhưng ông Tậu ngần ngừ chưa bán. Thời điểm đó, 70 triệu đồng là tài sản rất lớn, trị giá bằng cả ngôi nhà mặt phố sầm uất ở xứ Thanh.
Đề phòng kẻ gian nhòm ngó, ông Tậu nhiều lần chôn trống dưới gầm giường hay nền bếp để cất giấu. Ngày 6/1/1993, cán bộ Bảo tàng Thanh Hóa kịp thời phát hiện và lên tận nhà vận động ông Tậu giao trống cho cơ quan chức năng quản lý.
Ban đầu ông Tậu không đồng ý, bởi mức thưởng theo quy định nhà nước chi cho việc phát hiện trống quý chỉ một triệu đồng, trong khi nếu cân trống bán theo giá đồng nát thì cũng có giá khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi những cán bộ Bảo tàng Thanh Hóa lên xe ra về thì ông Tậu đã sai con trai chạy bộ gần 5 km để mời quay trở lại nhận trống.
“Giao trống cho cán bộ bảo tàng, ông Tậu tỏ ra tiếc nuối, nhưng ý thức được đây là tài sản quốc gia, không dám giữ làm của riêng, lại càng không dám bán cho những người buôn đồ cổ”, bà Nguyễn Thanh Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nhớ lại và cho hay lúc đó chưa có Luật Di sản nên tất cả cổ vật được phát hiện đều là tài sản quốc gia. Khi được giải thích, ông Tậu đã tự nguyện giao nộp cho nhà nước, chấp nhận thiệt thòi.
Trống đồng tượng vịt đẹp nhất Việt Nam
Theo Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, trống đồng Cẩm Giang là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2.000 năm). Hiện ở Việt Nam chưa nơi nào có được chiếc trống đẹp giống như vậy.
Trống có kiểu dáng cân đối với đường kính mặt 73 cm, cao 41,9 cm, nặng 60 kg, gồm các phần: mặt, tang, lưng và chân, được trang trí những hoa văn phong phú, sinh động. Trên mặt trống có một ngôi sao 16 cánh cùng 9 vòng hoa văn hình trám lồng, hình chim lạc bay cách điệu, hình người hóa trang cách điệu...
Mặt trống được trang trí những hoa văn phong phú, sinh động. Nổi bật là hình một ngôi sao 16 cánh cùng 9 vòng hoa văn hình trám lồng, hình chim lạc bay cách điệu, hình người hóa trang lông chim cách điệu, hình chim cách điệu |
Đặc biệt, trên mặt trống đồng Cẩm Giang được trang trí 4 khối tượng vịt đúc nổi (thay thế cho 4 khối tượng cóc). Các khối tượng vịt đều quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ và được đặt trên vị trí trang trọng của mặt trống. Phần tang có 5 vành hoa văn với hình người hóa trang lông chim cách điệu đang nhảy múa, phần dưới là hoa văn hình trám lồng…
Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thanh Hiền cho biết điểm đặc biệt làm nên giá trị của trống đồng Cẩm Giang chính là 4 khối tượng vịt trên mặt trống, khiến nó trở thành chiếc trống đồng độc nhất ở Việt Nam.
“Từ ngàn năm nay, trâu và vịt là hai con vật rất gần gũi, quen thuộc của cư dân trồng lúa nước ở các đồng bằng châu thổ Việt Nam. Vì vậy, những khối tượng vịt trên mặt trống đồng Cẩm Giang chính là biểu tượng rõ nét đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn”, bà Hiền nói.
Cũng theo bà Hiền, Thanh Hóa ngày nay vốn là vùng đất Cửu Chân xưa với lưu vực sông Mã, sông Chu trong thời đại kim khí, là một trong những trung tâm chuyên chế tạo, sử dụng, giao lưu, trao đổi trống đồng cổ.
Mối liên hệ giữa tượng vịt và tín ngưỡng thờ mặt trời
Dưới góc nhìn văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Phạm Mạnh Hà nhận định, sự xuất hiện các khối tượng vịt trên bề mặt trống Đông Sơn thay thế cho các khối tượng cóc truyền thống có thể xem là hiện tượng khác lạ của trống Cẩm Giang. Đây không phải việc làm tùy tiện, có tính ngẫu hứng của người thợ mà là chủ ý của người đúc trống.
“Trong tâm thức văn hóa dân gian người Việt và người Mường, vịt là con vật có công rất lớn trong việc tìm, gọi mặt trời. Tín ngưỡng thờ mặt trời, nhiều khả năng liên quan đến việc huyền thoại vịt và vầng thái dương. Bố cục hoa văn trên trống Cẩm Giang là các hoạt động liên hoàn với hình tượng vịt đang bơi, mặt trời nhô lên và đoàn người hóa trang nhảy múa mừng mặt trời mọc phải chăng có liên quan đến việc này”, ông Hà nhận định.
Ngoài ra, con vịt còn có mặt đậm đặc trong đời sống của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Hình tượng vịt được người Đông Sơn tái tạo trong đồ gốm và đã được phát hiện ở các di chỉ của Thanh Hóa, điển hình là đồ gốm hình con vịt tại di tích Thiệu Dương (TP Thanh Hóa).
“Trong đời sống tâm linh của người Việt cổ có nhiều huyền thoại về sự hình thành vũ trụ, mặt trời, mặt trăng và các tín ngưỡng liên quan, trong đó có huyền thoại vịt cõng gà gọi mặt trời. Điều này được nhắc đến trong sử thi nổi tiếng Đẻ đất, đẻ nước”, ông Hà cho hay.
Trong sử thi Đẻ đất, đẻ nước của dân tộc Mường (dị bản sưu tầm ở huyện Cẩm Thủy), câu chuyện vịt cõng gà gọi mặt trời được nhắc đến trong chương nói về mặt trời, mặt trăng và việc chia năm, chia tháng.
Nội dung như sau: Ông Cuông Minh Vàng Rậm cùng nàng ả Sấm Trời đúc ra 9 mặt trời và 12 mặt trăng. Nhiều mặt trời nóng quá khiến vạn vật không chịu được. Họ nhà Ngao dùng tên bắn rụng cả. Mặt đất trở nên tối tăm, con người phải nhờ trống gà Ải, mái vịt Êm đi gọi mặt trời, mặt trăng lên. Mái vịt Êm cõng Trống gà Ải đứng trên lưng bơi đi tìm và gáy gọi mặt trời lên. Nghe tiếng gà trống gáy mặt trời mọc, nghe vịt kêu, mặt trăng lên.
Sự có mặt của tượng vịt cùng với mặt trời trên trống Đông Sơn và sức sống lâu bền của huyền thoại gọi mặt trăng, mặt trời trong đời sống tinh thần của người Việt và người Mường đã hé lộ cách lý giải về sự xuất hiện của tượng vịt cũng như các khối tượng cóc trên trống Đông Sơn. "Nếu như hình mặt trời, hoa văn hình chim, các khối tượng cóc có liên quan đến tín ngưỡng mặt trời, tô tem chim lạc của người Lạc Việt thì sự xuất hiện các khối tượng vịt trên mặt trống Đông Sơn có thể cũng nằm trong hệ thống tín ngưỡng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn”, ông Hà nhận định.
Trống đồng Cẩm Giang được một nông dân miền núi huyện Cẩm Thủy phát hiện năm 1992. Đáp ứng các tiêu chí khắt khe, ngày 30/12/2013, hiện vật đồ đồng này được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.