Dịch vụ chia sẻ xe DriveNow của BMW |
Bên cạnh công nghệ điện hóa và tự lái, các nhà sản xuất xe hơi cũng đang dành nhiều nguồn lực vào một hướng đi mới. Đó là các dịch vụ chia sẻ xe hơi. Chia sẻ xe hơi hay phương tiện nói chung (shared mobility) được cho là một xu hướng có thể giúp cắt giảm lượng khí CO2 nhờ hạn chế được số lượng xe lưu thông trên đường. Với các quốc gia mà ô tô là phương tiện chủ đạo, chia sẻ là một giải pháp tất yếu nhằm cải thiện các vấn đề môi trường, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngay bản thân những chiếc xe chạy điện cũng không được coi là một liều thuốc cho vấn đề. Bởi lẽ, các nhà máy sẽ thải ra một lượng CO2 khổng lồ để thay thế những chiếc xe tương ứng với tốc độ mà chúng ta đang mua. Thậm chí, mọi thứ còn nghiêm trọng tới mức sở hữu xe hơi cá nhân đã bị đưa vào diện xem xét cần thắt chặt. Mới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ Anh đã đưa ra nhận định rằng sở hữu cá nhân dường như không phù hợp với chiến lược khử các-bon trong dài hạn.
Nhưng nhu cầu đi lại của con người là rất lớn và các dịch vụ chia sẻ đang nổi lên như là sự lựa chọn hàng đầu trong một kế hoạch dài hơi. Tất nhiên, những chiếc xe được sử dụng trong các dịch vụ như vậy cũng phải là xe chạy điện thì hiệu quả của quá trình giảm thiểu CO2 mới được đảm bảo. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu tới từ Share Now, một chiếc xe chia sẻ có thể thay thế cho 8 chiếc xe cá nhân. Được biết, Share Now là một chương trình hợp tác giữa hai đại kình địch BMW AG và Daimler AG trong lĩnh vực shared mobility, kết hợp DriveNow và Car2Go.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà thương mai và sản xuất xe hơi Anh (SMMT), những năm gần đây đang chứng kiến một sự chuyển dịch từ quyền sở hữu xe cộ truyền thống sang quyền sử dụng. Đồng thời, các nhà sản xuất xe hơi cũng đã đẩy mạnh những chương trình liên quan đến các dịch vụ chia sẻ.
Chỉ riêng tại Anh, số lượng xe hoạt động trong các dịch vụ như vậy cũng không ngừng gia tăng theo nghiên cứu của CoMoUK. Từ mức 3188 xe vào năm 2015 đã tăng lên thành 5385. Trong khi đó, số thành viên đã tăng từ gần 200.000 lên khoảng 350.000. Khoảng 60% số xe này tập trung ở London, nơi mà Zipcar, Enterprise Car Club và BMW DriveNow đang nắm phần lớn thị phần. Nên nhớ rằng một thành phố lớn như London, việc sở hữu xe riêng thường tốn kém và phiền phức hơn nhiều.
Ngoài BMW và Daimler, một số ông lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô cũng đã nhảy vào cuộc chơi. Nếu như VW có WeShare thì PSA (Pháp) có Free2Move. Thế nhưng, chia sẻ phương tiện cũng có những khó khăn riêng với nhiều thứ phức tạp hơn so việc bán xe. Một trong số đó đến từ sự khác biệt giữa điều kiện ở từng khu vực, đồng thời một số trở ngại không xuất hiện ngay lập tức.
Ví dụ như DriveNow có mặt tại London từ năm 2014 nhưng cho đến nay dịch vụ này mới chỉ hoạt động tai 9 khu của thành phố. Lý do chủ yếu nằm ở sự eo hẹp các điểm đỗ xe. Trong khi đó, Car2Go của Daimler thì phải "khăn gói ra đi" từ năm 2014 và không trở lại. Còn Zipcar cũng đã phải rời thủ đô Brussels của Bỉ do tỷ lệ sở hữu xe riêng rất cao tại đây.
Không chỉ gặp khó khăn tại khu vực thành thị, chia sẻ xe hơi cũng được cho là khó thay thế thói quen sở hữu xe cá nhân ở khu vực ngoại ô – nơi có mật độ dân số thấp hơn nhiều. Nhưng dù thế nào, các thương hiệu xe hơi vẫn tin vào tương lai của loại hình vận tải này. Theo thống kê của GlobalData, trong vòng 3 năm 2016-2018, đã có khoảng 48 tỷ USD tiền đầu tư đổ vào mảng chia sẻ phương tiện. Trong số đó bao gồm nhiều công ty đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường gọi xe (ride hailing) như Uber.
Mike Vousden – nhà phân tích tới từ GlobalData cho rằng người tiêu dùng đang ngày càng thoải mái hơn với việc sử dụng các sản phẩm chia sẻ và không phải chịu gánh nặng tài chính từ sở hữu cá nhân.
Nhưng những vất vả của hiện tại sẽ được đền đáp bằng một phần thưởng với sự hoàn thiện của công nghệ xe tự lái. Các công ty của Daimler và BMW đều tích hợp đồng thời dịch vụ gọi xe, chia sẻ xe hơi, đậu xe và sạc điện để chuẩn bị cho một tương lai mà cả hai tin rằng công nghệ tự lái sẽ mang về hàng tỷ USD từ việc chúng ta sử dụng dịch vụ của họ.
Thậm chí, các ông lớn đã có thể tận hưởng những quả ngọt trước khi điều này xảy ra. Đó là ngày càng có nhiều công ty gọi xe vận hành những chiếc EV. Từ đó, các nhà sản xuất có thể đáp ứng yêu cầu về mức thải CO2 trung bình của toàn bộ dòng sản phẩm và tránh được những khoản phạt điếng người từ EU. Công ty phân tích tới từ Đức Matthias Schmidt cho rằng các đội xe hoạt động trong lĩnh vực ‘ride hailing’ là một bước đi chiến lược được tính toán kỹ càng nhằm giúp các hãng xe đạt được mục tiêu phát thải 2020/2021.
Tóm lại, sẽ còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa để biết được rằng liệu chia sẻ phương tiện có phải là xu hướng chủ đạo hay chỉ là một lựa chọn ít tốn kém hơn thay cho mua hẳn một chiếc xe. Dù sao, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nhưng nếu nhìn vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng và hạ nhiệt tình hình giao thông, shared mobility thực sự là một giải pháp vẹn toàn cho giới chức tại nhiều quốc gia. Nhưng ở thời điểm hiện tại và trong nhiều năm tới, sở hữu xe cá nhân vẫn sẽ phổ biến hơn cả.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.