Ảnh: Bloomberg |
Trung Quốc sẽ rút lại tất cả những cam kết được đưa ra đến hiện tại trong các cuộc đối thoại với Mỹ về vấn đề thương mại nếu Tổng thống Donald Trump thực sự áp thuế đối với hàng Trung Quốc, theo tuyên bố từ phía Trung Quốc đưa ra trong ngày Chủ Nhật.
Khi mà cả hai bên Trung Quốc và Mỹ đều đạt được một số bước tiến trong đối thoại cuối tuần trước về việc làm sao để Trung Quốc giảm được con số 375 tỷ USD thâm hụt thương mại với Mỹ, việc trong tuần trước Tổng thống Trump nhắc lại kế hoạch đánh thuế đối với 50 tỷ USD hàng Trung Quốc đã khiến các cuộc đối thoại trở nên rối loạn.
“Nếu Mỹ đưa ra các biện pháp thương mại trong đó có thuế quan, tất cả những thỏa thuận đã có được trong quá khứ sẽ không còn hiệu lực” Tân Hoa Xã đưa tin ngày Chủ Nhật, dẫn nguồn từ một nhóm quan chức Trung Quốc đang làm việc với phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dẫn đầu.
Bài báo của Tân Hoa Xã được đưa ra sau khi vào ngày Chủ Nhật, Bộ trưởng Thương mại Mỹ gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Liu He, trong một cuộc gặp mà theo ông Ross là thân thiện, thẳng thắn và đã bàn thảo được nhiều vấn đề về một số mặt hàng nhập khẩu cụ thể.
Cùng lúc đó, các nhà đàm phán tập trung vào các bước kỹ thuật để giảm thâm hụt thương mại Mỹ, việc Tổng thống Trump dọa đánh thuế với hàng Trung Quốc khiến người ta nói nhiều hơn đến khả năng bất kỳ thỏa thuận nào đã được hoàn tất đơn giản sẽ có thể bị Tổng thống Mỹ phá bỏ.
“Trung Quốc lo lắng về tính bất ổn của nước Mỹ, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump bất ngờ thay đổi quan điểm về thuế quan. Tổng thống Trump cần đưa ra thêm thiện chí để đổi lại những cuộc đàm phán có hiệu quả. Các động thái cứng rắn, đe dọa và ngoan cố sẽ có thể hợp lý khi đàm phán kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng sẽ phản tác dụng nếu dùng nó trong các cuộc đối thoại giữa các quốc gia”, chuyên gia phân tích tại viện tài chính thuộc ngân hàng Bank of China ở Bắc Kinh, ông Gai Xinzhe, chỉ ra.
Phái đoàn của Mỹ hiện đang làm việc tại Trung Quốc có bao gồm cả nhiều chuyên gia ngành năng lượng và nông nghiệp, điều này phản ánh nguyện vọng của Mỹ trong việc tăng xuất khẩu khí đốt và thực phẩm.
Về phía Trung Quốc, phái đoàn làm việc lần này bao gồm Bộ trưởng Thương mại Zhong San, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Yi Gang, Thứ trưởng Thương mại Han Jun, Thứ trưởng Năng lượng Li Fanrong.
Ngoài các biện pháp thuế quan, ông Ross chịu nhiều áp lực từ các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong vụ việc liên quan đến ZTE. Trung Quốc hiện đang hối thúc Mỹ nới lỏng lệnh cấm với ZTE sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm xuất khẩu thiết bị Mỹ sang ZTE.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.