Trung Quốc dùng drone, công nghệ nhận diện khuôn mặt để chống gian lận

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Ứng dụng 13/06/2017 15:08

Trung Quốc sẽ áp dụng các công nghệ tân tiến để phát hiện và ngăn chặn những sĩ tử có ý định gian lận.

 

1668526

Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài một trường trung học trong kì thi Đại học Quốc gia tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam vào ngày 7/6/2014 (ảnh: Ibtimes)

Theo Ibtimes, "Tuần lễ Gaokao" ở Trung Quốc là khoảng thời gian vô cùng khắc nghiệt của các học sinh tham gia kì thi tuyển sinh đại học. Tương tự như SAT hay ACT ở Mỹ, Gaokao – cách gọi khác của Kì thi Đại học Quốc gia – có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi bạn muốn được theo học ở những trường đại học hàng đầu và có một tương lai "việc nhẹ lương cao". Và cũng chính vì tính chất quan trọng của nó, nhiều sĩ tử sẵn sàng bất chấp tất cả để có thể đạt điểm cao, bao gồm cả gian lận.

Các nhà chức trách đang tích cực hành động để triệt phá hoàn toàn vấn nạn gian lận trong thi cử. Sau hàng năm trời phải chịu sự hoành hành của những thiết bị công nghệ tinh vi như tai nghe siêu nhỏ, các vật dụng không dây được thiết kế giống với bút chì hay tẩy và các vật dụng cá nhân khác, chính phủ Trung Quốc sẽ "phản công". Họ sẽ đưa máy bay điều khiển từ xa, máy dò kim loại và công nghệ nhận diện khuôn mặt để loại bỏ mọi ý định gian lận của các sĩ tử.

Một số tỉnh thậm chí sẽ yêu cầu thí sinh phải kiểm tra danh tính bằng máy quét vân tay và nhận diện khuôn mặt để được tham gia kì thi, với mục đích ngăn chặn việc thí sinh nhờ người khác thi hộ. Đây sẽ là tính năng mới được bổ sung, bên cạnh các máy dò kim loại và đồ điện tử để phát hiện các thiết bị mà thí sinh giấu trong người. Trong thời gian thi, ban quản lý sẽ ngăn chặn hoặc gây nhiễu sóng di động hay bất kì phương thức liên lạc nào mà sĩ tử có thể sử dụng để nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài. Các câu hỏi được sử dụng trong kì thi cũng sẽ có sự khác biệt giữa tỉnh này với tỉnh khác, nhằm hạn chế tối đa khả năng gian lận.

Cách đây vài năm, khi chính quyền nhận ra nạn gian lận thi cử đang trở nên quá phổ biến, họ đã đề ra một đạo luật mới, trong đó, những ai bị phát hiện gian lận sẽ bị phạt tù lên đến 7 năm.

Đạo luật đó đã được chấp thuận vào mùa thu năm 2015, và khi kì thi còn chưa bắt đầu (vào thứ Ba tới), đã có 52 người bị bắt giữ vì có ý định gian lận. Không chỉ những thí sinh, kể cả những người giúp từ bên ngoài cũng sẽ bị coi là "đồng lõa" và phải chịu án tù giam tùy theo mức độ. Một số trường đại học thậm chí còn không cho phép sinh viên của mình ra khỏi lớp học trong thời gian thi để đảm bảo rằng họ không thể nào giúp các thí sinh gian lận.

Trên phạm vi cả nước, kì thi được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Các phương tiện tham gia giao thông sẽ được chuyển hướng khỏi các khu vực đang diễn ra kì thi, công trường xây dựng cũng buộc phải tạm ngừng hoạt động để không gây mất tập trung. Bên cạnh hàng triệu thí sinh tham gia kì thi, một robot cũng sẽ có mặt để so tài với trí tuệ con người. Robot mang tên AI-MATHS sẽ chỉ tham gia phần thi toán học, sau khi được đào tạo để giải quyết hàng nghìn bài toán hóc búa.

Ý kiến của bạn

Bình luận