Để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình trong ngành lắp ráp các thiết bị điện tử một nhà máy Trung Quốc gần Thượng Hải đang phải phụ thuộc vào các robot nhỏ được thiết kế tại Đức. Đây là một lực lượng lao động mới đang nổi lên ở Trung Quốc.
Chủ tịch Suzhou Victor Precision Manufacture Co., ông Yugen Gao chia sẻ rằng những ngày tháng tận dụng sức mạnh từ lực lượng lao động giá rẻ và cần cù tại Trung Quốc của hãng này đã chấm dứt.
"Chúng tôi đã mất lợi thế đó từ ba năm trước", ông Gao nói trong lúc quan sát nhà máy với nhiều hàng robot đang lắp ghép bàn phím máy tính. "Đây là một trong những tác động của chính sách một con".
Nhu cầu của Trung Quốc với các robot do châu Âu sản xuất đang phát triển nhanh chóng khi mà tiền lương tăng nhanh, lực lượng lao động thu hẹp và nền văn hóa thay đổi thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tiến theo con đường tự động hóa. Các loại robot được các hãng Trung Quốc ưa thích cũng thay đổi từ robot xử lý công việc nặng trong ngành sản xuất ô tô tới những robot lắp ráp các sản phẩm nhỏ hơn gồm cả thiết bị điện tử và hàng may mặc đòi hỏi sự chính xác, linh hoạt.
Duy trì vị thế
Tất cả mọi nỗ lực tự động hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ hướng tới một mục đích duy nhất đó là duy trì sự thống trị của đất nước tỷ dân trong ngành sản xuất.
"Trung Quốc đang muốn gửi tới thế giới thông điệp: Chúng tôi sẽ robot hóa ngành công nghiệp của mình để duy trì vị thế của nó", Stefan Lampa, chủ tịch mảng robot của Kuka AG hãng tự động hóa của Đức chuyên cung cấp robot cho Suzhou Victory, chia sẻ.
Dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 tới 59, tại Trung Quốc đang bắt đầu thu hẹp cũng là một lý do khiến các hãng sản xuất buộc phải tự động hóa, ồ ạt trang bị robot. Liên Hợp Quốc ước tính số lượng công nhân của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2010 với con số 900 triệu và sẽ giảm xuống dưới 800 triệu vào năm 2050.
Ngoài ra, chi phí lao động bình quân theo giờ, lương cộng phúc lợi, tại khu vực trung tâm sản xuất ven biển Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Phần trăm mức lương của mức lương mà các hãng sản xuất của Mỹ phải trả tưng từ 30% năm 2000 tới 64% trong năm 2015. Điều này khiến Trung Quốc không còn là điểm đến ưa thích của các hãng sản xuất.
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế, trong năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới, vượt qua các nước Tây Âu. Trong năm 2015, các hãng sản xuất Trung Quốc đã mua khoảng 67.000 robot, chiếm một phần tư doanh số robot toàn cầu. Dự kiến tới năm 2018 nhu cầu sẽ được tăng lên tới mức 150.000 robot mỗi năm.
Chủ động trong ngành robot
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ với mục đích tự chế tạo thêm được nhiều robot hơn nữa. Hồi tháng Năm, hãng sản xuất đồ gia dụng Midea Group Co. của Trung Quốc đã đưa ra mức giá hơn 5 tỷ USD để thâu tóm Kuka và hiện sở hữu hơn 86% cổ phần của hãng sản xuất robot này.
Tại triển lãm nghiên cứu robot diễn ra ở Stockholm hồi tháng Năm, các công ty gồm Kuka và ABB Ltd của Thụy Sĩ đã trình làng những robot trọng lượng nhẹ với đôi tay linh hoạt có khả năng thao tác với những vật dụng nhỏ như nắp chai.
Năm ngoái, ABB cũng trình làng hai phiên bản robot hai tay YuMi, một robot hạng nhẹ được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc. Robot này có thể lắp đặt các thiết bị điện tử trong xe hơi, lắp ráp đồng hồ đeo tay và kính mắt.
YuMi được sản xuất ở cả Thụy Điển và một nhà máy ở Thượng Hải đã được mở từ một thập kỷ trước. Robot này được thiết kế dưới dạng robot hơp tác, đồng nghĩa là nó đủ nhỏ để chia sẻ dây chuyền sản xuất với con người, không cần hàng rào bảo vệ như những robot công nghiệp cỡ lớn.
Theo Steven Wyatt, trưởng nhóm tiếp thị và bán hàng của ABB, trong 5 năm qua, Trung Quốc trở thành thị trường có các khách hàng mua robot lớn nhất của ABB.
Ông Wyatt còn chia sẻ thêm rằng ban đầu Trung Quốc bắt đầu tự động hóa hàng loạt nhằm chấn an những lo ngại về chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện tạ, các nhà máy Trung Quốc, bao gồm cả những nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, đang mua robot để lấp vào những chỗ trống còn lại do không đủ nhân công.
"Dù khó nhưng vẫn phải tin rằng mặc dù có 1,3 tỷ dân nhưng các công ty Trung Quốc không tìm đủ người để làm các công việc phát sinh tại nhà máy của họ", ông Wyatt nói.
Một yếu tố khác khiến Trung Quốc hướng tới tự động hóa đó là chi phí. Công nghệ robot trước đây rất đắt đỏ nhưng giờ đã đủ rẻ để các nhà máy Trung Quốc áp dụng vào dây chuyền sản xuất của họ.
OptoFroce Ltd. là hãng sản xuất các cảm biến giá 2.500 EUR gắn vào cánh tay các robot được sử dụng cho công việc đánh bóng các linh kiện được sử dụng trong bộ truyền động ô tô và các sản phẩm khác. Szabi Fekete, trưởng bộ phận bán hàng của hãng này chia sẻ rằng chi phí sản xuất những cảm biến này đã rẻ đi trong những năm gần đây.
"Mười năm trước, một cảm biến lực có giá tới 20.000 USD. Chẳng ai muốn dùng robot cho công việc đánh bóng bởi số tiền mua robot có thể dùng để thuê 100 công nhân", ông Fekete nói.
Suzhou Victory, hãng lắp ráp laptop cho Dell và Lenovo và lắp ráp smartwatch cho Fitbit, bắt đầu gia tăng tự động hóa hai năm trước khi mà chu kỳ sản phẩm ngày càng ngắn hơn, tiền lương cho nhân viên ngày càng tăng và lượng nhân viên cần tuyền mới ngày càng tăng, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm. Năm nay, Suzhou Victory đã ký một thỏa thuận để mua 160 cánh tay robot được sản xuất bởi Kuka.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.