Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP |
Chiến lược mới của Trung Quốc là đưa ra một loại dầu thô tiêu chuẩn trong vài tháng tới. Tuy nhiên, giá các hợp đồng dầu sẽ không được niêm yết bằng USD như hiện nay, mà bằng NDT. Nếu cách này được chấp nhận rộng rãi, đúng như Trung Quốc kỳ vọng, họ sẽ tiến thêm bước lớn trong việc thách thức vị thế của đồng bạc xanh trong vai trò tiền tệ quyền lực nhất thế giới.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Vì vậy, Bắc Kinh cho rằng để tiền tệ của họ định giá loại hàng hóa quan trọng nhất thế giới này cũng là chuyện hợp lý. Giảm phụ thuộc vào USD đang là chiến lược ưu tiên với các nước như Trung Quốc hay Nga, nhằm hạn chế rủi ro tiền tệ liên quan đến USD và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Kế hoạch của Trung Quốc là định giá dầu bằng NDT, thông qua một hợp đồng tương lai được bảo đảm bằng vàng tại Thượng Hải. Tuy nhiên, con đường này được đánh giá sẽ còn rất dài và khó khăn.
“Ít nhất thì hiện tại, họ vẫn chưa thể làm kẻ thay đổi cuộc chơi đâu”, Gal Luft - đồng sáng lập Viện Phân tích An ninh toàn cầu nhận xét, “Nhưng đây sẽ là chỉ báo mới cho sự bắt đầu của thời kỳ USD xuống dốc”.
Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều nghi ngại từ thị trường dầu mỏ, và quan niệm toàn cầu rằng chính phủ đang kiểm soát nền kinh tế quá nhiều. Những yếu tố trên có thể khiến họ khó xây dựng loại dầu thô tiêu chuẩn khả thi, có thể cạnh tranh với các tiêu chuẩn phổ biến hiện tại như dầu Brent hay WTI. Cả hai loại này đều được niêm yết bằng USD.
Dầu thô đã được niêm yết bằng USD suốt 4 thập kỷ qua. Việc thu hút các thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Đông vốn đã quen thuộc với USD sẽ là một thách thức rất lớn.
“Rất nhiều hợp đồng tương lai đã ra mắt, vì chúng cũng khá hợp lý theo quan điểm thị trường. Chúng cũng rất được chú ý nữa. Tuy nhiên, chúng sau đó đều thất bại, vì chìa khóa là thanh khoản”, Jeff Brown - Giám đốc hãng tư vấn năng lượng quốc tế - FGE cho biết.
Thế giới thực sự chỉ có vài hợp đồng dầu có thể làm tiêu chuẩn mà thôi, Brown cho biết, “Điều này cực kỳ khó thay đổi”.
Một rào cản khác với tham vọng của Trung Quốc là bản thân đồng NDT. Đồng tiền này chưa có khả năng chuyển đổi hoàn toàn, tỷ giá được ấn định mỗi ngày, có thể bị Chính phủ can thiệp hoặc chịu ảnh hưởng tùy theo chính sách kiểm soát vốn.
Vì cơ chế kiểm soát tiền tệ chặt chẽ này, giới quan sát cho rằng loại dầu tiêu chuẩn mới định giá bằng NDT cũng sẽ được Bắc Kinh giám sát chặt.
John Driscoll - Giám đốc JTD Energy Services thì lo ngại nó sẽ làm lợi cho các công ty Trung Quốc, khó tạo ra sân chơi công bằng. “Thách thức lớn nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu là phải đảm bảo không tổ chức nào, hoặc quốc gia nào có lợi thế thống trị”, ông cho biết.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn đang thúc đẩy thực hiện kế hoạch này. Tháng trước, ông Pan Gongsheng - Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết đây là bước khởi đầu của chiến lược lớn hơn nhằm hỗ trợ việc định giá và thanh toán bằng NDT với các giao dịch hợp đồng hàng hóa tương lai.
Rachel Ziemba - Giám đốc các thị trường mới nổi tại Roubini Global Economics cho biết ban đầu, loại dầu tiêu chuẩn niêm yết bằng NDT này có thể không được đón nhận. “Tuy nhiên, sản phẩm này có thể phát triển theo thời gian, đặc biệt nếu nó làm nảy sinh các công cụ phòng trừ rủi ro khác”, ông cho biết.
Trung Quốc có thể tiếp cận các nhà cung cấp dầu thô chủ chốt tại Trung Đông, Nga và châu Á - nơi một số nước đã chấp thuận thanh toán bằng NDT. “Tầm bao phủ của Mỹ đang giảm dần”, Juerg Kiener - Giám đốc điều hành Swiss Asia Capital cho biết, “Iraq, Nga và Indonesia đều đã gia nhập nhóm thương mại phi đôla. Kế hoạch của Trung Quốc đã được chuẩn bị khá bài bản. Họ là nước nhập khẩu, nên sẽ biết cách thúc đẩy việc này”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.