Trang Reuters dẫn nguồn tin từ Liên đoàn robot quốc tế (IFR) cho biết, Trung Quốc đang đẩy mạnh đưa robot vào các công xưởng để thúc đẩy quá trình tự động hóa diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt, cường quốc này tham vọng trở thành 1 trong 10 nước có nền công nghiệp tự động hóa trên thế giới vào năm 2020.
Việc thúc đẩy hiện đại hóa, tự động hóa sản xuất bằng robot là bước đi của giới chức Trung Quốc nhằm chống lại sự thiếu hụt nguồn lao động và chi phí tiền lương tăng nhanh.
Tuy vậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có số lượng robot chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngành công nghiệp. Tính đến năm 2015, Trung Quốc chỉ có 36/10.000 lao động là robot, xếp thứ 28 trong số các quốc gia tự động hóa trên thế giới.
Nếu thực hiện theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ có khoảng 150 robot/10.000 lao động tính tới năm 2020. Đó là tham vọng đã được Wang Ruixiang, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp máy móc Trung Quốc phát biểu mới đây.
Theo IFR, Trung Quốc đang đặt mục tiêu bán được khoảng 100.000 robot sản xuất công nghiệp mỗi năm, tăng 49% so với năm ngoái.
Thị trường Trung Quốc hiện vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào các nhà sản xuất robot nước ngoài như ABB, Kuka và Yaskawa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất robot nội địa cũng đang dần vươn lên và chiếm lĩnh 31% thị phần, tăng từ mức 25% hồi năm 2013. Có điều, các nhà sản xuất này chỉ có thể chế tạo được các robot công nghiệp nhỏ và tầm trung.
Riêng một số nhà sản xuất lớn mạnh khác đã bắt đầu có động thái thay đổi cục diện. Nhà sản xuất đồ gia dụng Midea mới đây đã mua lại hãng sản xuất robot Kuka của Đức với giá 5 tỷ USD hồi cuối tuần trước. Trong khi đó, một nhà sản xuất khác là Wichai Power cũng đã mua lại 40% cổ phần của hãng sản xuất xe nâng Kion - Đức trong tuần vừa qua.
Với những bước đi như vậy, tham vọng trở thành 1 trong 10 quốc gia tự động hóa của Trung Quốc là điều không quá khó để thực hiện, đặc biệt với một cường quốc đông dân và nhiều nguồn lực như Trung Quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.