Trung Quốc quyết giảm mạnh xây dựng đường sá, cầu cảng trong những năm tới

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 06/12/2017 06:29

Việc Trung Quốc giảm chi tiêu cho đầu tư hạ tầng cũng có thể gây ra tác động trên toàn cầu

 

trungquoctaunikkei_ehcp
Ảnh: Nikkei

Hoạt động xây dựng đường sá, cầu cảng và hệ thống tàu điện ngầm của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chững lại, như vậy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực.

Tính toán của nhiều chuyên gia về thị trường bất động sản tại hàng loạt tổ chức tài chính lớn như Morgan Stanley, Goldman Sachs và UBS cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào tài sản cố định sẽ tăng trưởng 12% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% trong 10 tháng đầu của năm nay. 

Sự hạ nhiệt trên thị trường bất động sản Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách nước này cam kết điều chỉnh lại các khoản nợ sau Đại hội Đảng Trung Quốc vào tháng Mười. Trong một động thái hiếm hoi gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tạm ngưng các dự án tàu điện ngầm tại một số thành phố, đồng thời thắt chặt các dự án đầu tư công – tư. 

Việc Trung Quốc giảm chi tiêu cho đầu tư hạ tầng cũng có thể gây ra tác động trên toàn cầu bởi đầu tư vào hạ tầng của Trung Quốc chiếm tổng số 20% toàn thế giới, theo tính toán của Oxfords Economics.

“Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm nợ, giảm tình trạng đầu tư thừa mứa, kiểm soát ô nhiễm và hạn chế giá bất động sản tăng nóng. Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng đầu tư vào bất động sản và hạ tầng sẽ chững lại khiến nền kinh tế giảm tốc”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Morgan Stanley châu Á, ông Robin Xing, nhận xét.

Ông Xing tính toán rằng việc đầu tư vào hạ tầng giảm đi sẽ khiến nhu cầu đối với hàng hóa giảm, ngoài ra nó cũng tác động xấu đến việc làm và tiêu dùng. Morgan Stanley dự báo đầu tư vào hạ tầng của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 13% trong năm 2018 và 12% trong năm 2019.

Đầu tư vào hạ tầng giảm sút có thể ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế, tuy nhiên nó sẽ giúp cho quá trình chuyển hướng trọng tâm nền kinh tế sang hướng dịch vụ mà chính phủ Trung Quốc đang tính đến sẽ diễn ra nhanh hơn. 

Việc đầu tư vào hạ tầng tăng quá nhanh đã khiến nợ công của Trung Quốc tăng cao, đạt đến con số 259% GDP ở thời điểm cuối năm 2016.

Theo tính toán của Goldman Sachs, các nỗ lực giảm nợ trong nền kinh tế sẽ tác động chủ yếu đến những ngành nghề sản xuất kinh doanh cũ tại Trung Quốc, cùng lúc đó sẽ có thể điều chỉnh dòng vốn trong nền kinh tế sang lĩnh vực sản xuất.

Trong tháng trước, Bộ Tài chính Trung Quốc đã chính thức cấm các chính quyền địa phương không được đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân trong các dự án PPP hoặc đứng ra hỗ trợ cho bên khác vay tiền.

Còn theo khẳng định của chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ ở Hồng Kông, ông Betty Wang, dù đầu tư hạ tầng giảm đi trong năm 2018 nhưng sẽ vẫn được coi như động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Trung Quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận