Trung Quốc sao chép thành công phiên bản nâng cấp của Pantsir-S1?

Tác giả: SOHA

saosaosaosaosao
Ứng dụng 01/04/2018 09:41

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Sky Dragon 12 GAS5 của Trung Quốc có hình dáng bên ngoài rất giống với phiên bản hiện đại hóa của Pantsir-S1

photo1522298099574-15222980995751637201552

Hệ thống tên lửa phòng không tự hành tầm ngắn Sky Dragon 12 của Trung Quốc

Hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn Sky Dragon 12 GAS5 là sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Phương Bắc - NORINCO, tổ hợp này được giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng tại Triển lãm quốc phòng Nam Phi - AAD tháng 9/2014.

Sky Dragon 12 được thiết kế với vai trò phòng thủ điểm, bảo vệ mục tiêu trước sự tấn công của máy bay cánh cố định, trực thăng vũ trang, tên lửa hành trình bay thấp và thậm chí là cả đạn pháo phản lực phóng loạt.

Chi tiết gây ấn tượng nhất của Sky Dragon 12 đó là module chiến đấu của nó có hình dáng bên ngoài rất giống với phiên bản nâng cấp của Pantsir-S1 đang phục vụ trong Quân đội Nga. Khác biệt nằm ở chỗ vũ khí này chỉ mang theo 12 tên lửa sẵn sàng phóng chứ không có pháo bắn nhanh.

Thay vào đó, theo nhà sản xuất thì radar cùng với hệ thống kiểm soát hỏa lực của Sky Dragon 12 (bao gồm radar bám bắt - điều khiển hỏa lực hoạt động trên băng tần Ku đi kèm thiết bị ngắm bắn quang học) có thể kết hợp với pháo 35 mm bên ngoài.

Tầm phát hiện mục tiêu của radar là 35 km trong khi hệ thống quang điện tử vào khoảng 12 km, có khả năng dẫn hướng tên lửa tham chiến với 4 mục tiêu cùng lúc, xác suất tiêu diệt với 1 đạn duy nhất là trên 80%.

Đạn tên lửa đánh chặn của tổ hợp Sky Dragon 12 là Tianlong 12 (hay còn được gọi bằng cái tên SD-12/ FK-1000), đây là phiên bản sao chép từ tên lửa 9M311 Sosna-R mà Nga đã bán cho Trung Quốc trong năm 2005.

Tên lửa 9M311 Sosna-R nguyên bản có chiều dài 2,5 m, trọng lượng 57 kg, mang theo đầu đạn nổ phá mảnh nặng 9 kg, tốc độ tối đa 900 m/s và duy trì ở mức 600 m/s, sử dụng hệ dẫn đường bán tự động thông qua sóng radio theo đường ngắm thẳng, tầm bắn tối đa 8 km.

Trong tay người Trung Quốc, loại đạn này được kéo dài tầm bắn tối đa lên gấp rưỡi - tức là 12 km, trong khi tầm bắn tối thiểu ở mức 2 km, tiêu diệt được vật thể bay trong dải độ cao 15 m - 5 km di chuyển ở vận tốc 500 m/s. Như vậy thông số về tầm bắn của Sky Dragon 12 vẫn thua xa Pantsir-S1 dùng đạn 57E6 có thể vươn tới cự ly 20 km.

Đạn tên lửa đánh chặn Tianlong 12 của tổ hợp phòng không Sky Dragon 12

Khung gầm của hệ thống tên lửa phòng không tự hành tầm ngắn này là xe tải việt dã Shaanxi SX2400 8x8, cabin đủ chỗ cho kíp chiến đấu 3 người với cửa ra lắp ở mỗi bên, nó có tổng cộng 4 càng chống thủy lực nhằm giảm áp lực lên bánh xe khi tiến hành phóng đạn.

Theo thông tin từ Tập đoàn NORINCO, thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu của tổ hợp Sky Dragon 12 tương đối lâu, lên tới 15 phút, đây là điểm trừ lớn của nó.

Tuy nhiên điểm mạnh của Sky Dragon 12 đó là các đài radar điều khiển hỏa lực FW2 FCS có thể kết nối lại thành mạng lưới chiến đấu để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêu diệt.

Ưu thế giá rẻ theo đánh giá là lợi thế cạnh tranh của hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn này, giúp bù trừ nhược điểm về tính năng kỹ chiến thuật so với Pantsir-S1 của Nga.

Ý kiến của bạn

Bình luận