Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị: Chú trọng nâng cao công tác quản lý, điều hành

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 28/12/2019 10:14

Giao thông đô thị không thể thiếu loại hình xe buýt. Tuy nhiên, để hoàn thiện và tăng tính hiệu quả của loại hình vận tải hành khách công cộng này cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tăng cường công tác quản lý và điều hành là giải pháp được Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị luôn quan tâm và chú trọng.

 

IMG_2968

Nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ

Thời gian qua, tình hình giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đã được cải thiện nhưng vẫn diễn biến phức tạp, số điểm ùn tắc vẫn còn nhiều, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc vận hành của xe buýt. Tình trạng UTGT làm cho tốc độ lưu thông của xe buýt giảm xuống. Trong vòng 10 năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt đã giảm 15 - 17%. 

Hiện tại, mức độ bao phủ tuyến chưa đồng đều, các tuyến vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô trong phạm vi đường Vành đai 3 (số tuyến chiếm 64%), trong khi những khu vực mới phát triển của Thành phố như các khu đô thị mới, các xã, huyện xa trung tâm còn hạn chế (số tuyến chiếm 31%).

Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho cơ sở hạ tầng xe buýt còn thiếu và không đảm bảo điều kiện khai thác, do đó việc phát triển hạ tầng tiêu chuẩn như điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, làn đường dành riêng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT thì mới chỉ có 1,3km đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ. Thêm nữa, hệ thống điểm trung chuyển và nhà chờ chưa được mở rộng. Từ năm 2015 đến nay, toàn mạng lưới vẫn chỉ có 5 điểm trung chuyển, số nhà chờ không được đầu tư thêm (số nhà chờ hiện nay chỉ chiếm 10% số điểm dừng, giảm xuống so với năm 2015 là 3 chiếc, phân bố chủ yếu ở khu vực nội thành chiếm 92,7%). 

Toàn thành phố hiện có 102 điểm đầu cuối dành cho xe buýt thì có tới 58 vị trí (58,6%) điểm đầu cuối xe buýt hiện nay là các vị trí đỗ tạm lề đường, bãi đất trống không có quy hoạch. Ngoài ra, đoàn phương tiện mặc dù đã được quan tâm đầu tư đổi mới, tuy nhiên vẫn còn một số ít phương tiện hoạt động trên 10 năm.

Một bất cập nữa là hệ thống vé vẫn mang tính chất thủ công, chưa có hệ thống vé điện tử dùng chung cho mạng lưới (hiện mới chỉ đang thí điểm trên tuyến BRT). Cơ cấu giá vé lượt hiện còn chưa phù hợp với chuyến đi của hành khách, giá vé lượt hiện chỉ có 3 mức (dưới 25km, từ 25km đến 30km và trên 30km trở lên), cự ly đi lại của hành khách trong nội đô dao động từ 5 - 10km nhưng vẫn phải trả mức vé với cự ly đi lại dưới 25km, chưa thực sự thu hút đối với hành khách. Ngoài ra trong thời gian gần đây, số tuyến buýt có cự ly trên 40km đã lên tới 14 tuyến và nhánh tuyến (tăng 12 tuyến so với thời điểm năm 2015), tuy nhiên giá vé lượt cũng chỉ bằng tuyến có cự ly từ 30km trở lên. 

Đối với công tác thông tin tuyên truyền để người dân biết và sử dụng xe buýt đã được quan tâm triển khai, tuy nhiên hình thức tuyên truyền vẫn còn hạn chế, chủ yếu qua các chương trình, tiêu điểm trên đài báo; còn thiếu các hoạt động thực tế cụ thể; một số thay đổi về luồng tuyến, hạ tầng chưa được thông tin kịp thời đến hành khách. 

Tăng cường công tác quản lý và điều hành xe buýt

BRT-chuan

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành là rà soát hệ thống văn bản pháp quy, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 và được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 9; xây dựng và báo cáo Sở GTVT bộ tiêu chí quy định chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố; hoàn thiện bộ định mức và đơn giá dự toán đối với loại hình xe buýt nhanh BRT trên địa bàn Thành phố; triển khai tích cực đối với việc xây dựng định mức và đơn giá dự toán cho loại hình buýt sử dụng năng lượng sạch (khí CNG); hoàn thiện và báo cáo Sở GTVT Đề án “Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng, đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân”...

Song song với đó, công tác quản lý điều hành và kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ tiếp tục được Trung tâm tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động kiểm tra giám sát đạt 109.029 lượt (lượt kiểm tra trên tuyến là 18.818 lượt, qua thiết bị giám sát hành trình GPS là 90.211 lượt), tăng 1,5% so với thực hiện cùng kỳ năm 2018. Thông qua công tác kiểm tra giám sát đã phát hiện và lập 582 biên bản vi phạm hợp đồng, bằng 88,7% so với cùng kỳ năm 2018. Số biên bản vi phạm về doanh thu chỉ bằng 50% so với thực hiện cùng kỳ cho thấy việc kiểm soát chống thất thoát doanh thu của các đơn vị cũng đã được tăng cường. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự trên xe buýt cũng thường xuyên được duy trì.

Việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành tiếp tục được Trung tâm và các đơn vị vận hành phối hợp triển khai. Theo đó, về cơ bản đã hoàn thành việc phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội triển khai phương án kết nối các tuyến buýt qua ứng dụng “tìm buýt”. Trung tâm tiếp tục triển khai việc đăng ký làm thẻ vé tháng trên điện thoại smartphone thông qua ứng dụng “tìm buýt” và nhận thẻ, tem vé tháng tại nhà khi có nhu cầu; lắp thêm camera giám sát trên xe nhằm hỗ trợ công tác xử lý vi phạm, chấn chỉnh thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên trên xe. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã lắp đặt camera đối với 167 xe của 10 tuyến buýt, nâng tổng số xe có lắp đặt camera giám sát là 380 (đạt 24%).

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, Trung tâm tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác tổ chức đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên điều hành. Những tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp, Ban ATGT, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng tổ chức 25 lớp học, đào tạo trên 962 lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ điều hành.

Từ nay đến cuối năm 2019, Trung tâm tiếp tục tăng cường chất lượng công tác kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát chất lượng dịch vụ xe buýt và tổ chức điều hành, ứng phó với các tình huống xảy ra trên tuyến, đảm bảo dịch vụ và an ninh, an toàn. Trung tâm tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở, các lực lượng chức năng và lực lượng giám sát của các đơn vị vận hành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đơn vị, qua đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với việc ứng dụng công nghệ, Trung tâm luôn quan tâm, chú trọng, coi đó là khâu then chốt. Theo đó, Trung tâm đã xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông, xây dựng bản đồ số giao thông trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông. Đồng thời, đơn vị thường xuyên đánh giá, tổng kết việc triển khai thẻ vé điện tử trên tuyến BRT làm cơ sở triển khai nhân rộng cho toàn mạng lưới. Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, Trung tâm tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tuyến, online, qua điện thoại...); tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phần mềm “tìm buýt” phục vụ hành khách.

Để mang lại hiệu quả khai thác vận hành xe buýt, Trung tâm đề xuất triển khai tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính hướng vào nội đô có đủ điều kiện để rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình

Ý kiến của bạn

Bình luận