Đồ chơi Việt dần chiếm lĩnh thị trường
Trước dịp Trung thu, tại các tuyến “phố đồ chơi” trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, thị trường đồ chơi cho trẻ em đã trở nên rất nhộn nhịp.
Một vài năm trước, vào mỗi dịp Trung thu, các con phố trên đều tràn ngập các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc. Nhưng năm nay, thị trường đồ chơi trẻ em có nhiều “đột phá” bởi các mặt hàng truyền thống, đặc biệt là các loại đồ chơi bằng chất liệu giấy bồi, mặt nạ, đèn lồng, trống và các loại đồ chơi bằng gỗ do Việt Nam sản xuất như các sản phẩm đồ gỗ Winwin Toy của Đức Thành, đồ gỗ Etic, đồ gỗ Tân Thuận Đức, đĩa bay hay con quay Tosy…
Có mặt tại một cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã, vừa dẫn chúng tôi đi sâu vào gian trong để xem các loại đồ chơi truyền thống, người bán hàng luôn miệng giới thiệu đến sản phẩm đĩa bay Tosy do Việt Nam sản xuất được nhiều người tìm mua trong những năm gần đây. Bởi theo người bán hàng này, các bậc phụ huynh bây giờ hạn chế mua các loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc do lo ngại nhiều đồ chơi bạo lực, chứa độc tố gây ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe của trẻ.
Theo tìm hiểu của Tạp chí GTVT, các cửa hàng kinh doanh, buôn bán vẫn nhập trò chơi Trung Quốc nhưng với số lượng hạn chế. Đa số các chủ cửa hàng đều nhập khá nhiều mặt hàng đồ chơi truyền thống sản xuất trong nước.
Đon đả mời chào khách hàng, bà Thủy - một chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã chia sẻ: “Các loại đồ chơi như: Mặt nạ ông địa, đèn ông sao, đèn trang trí, trống cơm, trống quân, lồng đèn… cửa hàng tôi bán chạy lắm, cả đĩa bay Tosy nữa. Mấy hôm nay phụ huynh hay hỏi mua những đồ chơi truyền thống này cho con”.
Theo khảo sát của phóng viên, giá cả các loại đồ chơi truyền thống không cao mà vừa sức người tiêu dùng. Đèn ông sao dao động từ 15.000 - 110.000 đồng/chiếc tùy loại; đầu lân từ 55.000 đồng đến 200.000 đồng/chiếc; trống tay 50.000 đến 120.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, những đồ chơi công nghệ như đĩa bay Tosy giá khoảng 129.000 đồng, con quay Tosy giá 299.000 đồng, các đồ chơi gỗ có giá khoảng 300.000 đồng.
Tại các cửa hàng, một số phụ huynh đến mua đồ chơi sớm cho con đều chọn những đồ chơi truyền thống, vừa hợp lý về giá cả lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng con trẻ đến truyền thống dân tộc.
Chị Thanh Mai, (28 tuổi, quận Thanh Xuân) vừa mua chiếc đèn ông sao chia sẻ: “Ngày nay có nhiều đồ chơi hiện đại nên trẻ con nhiều khi không biết những trò chơi dân gian của Việt Nam. Tôi mua cho các cháu đèn ông sao, đèn kéo quân vì muốn cho con mình có chút kỷ niệm tuổi thơ giống ngày xưa như bố mẹ để các con thấy được Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa hơn”.
Cùng quan điểm này, anh Chiến ở quận Ba Đình cười nói: “Không những mua đồ chơi truyền thống, tôi còn đưa các cháu đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hay các điểm văn hóa cho các cháu thỏa thích nô đùa cùng bạn bè. Năm ngoái, con tôi mê mẩn trò chơi nặn tò he ở Bảo tàng nên năm nay tôi sẽ dành nhiều thời gian cho cháu chơi trò này”.
Tôn vinh văn hóa truyền thống
Không chỉ đồ chơi truyền thống được bày bán ngoài thị trường mà ngay cả những điểm văn hóa hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các loại hình trò chơi dân gian cũng được nhiều người tìm đến.
Anh Nguyễn Văn Thành - một nghệ nhân Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Làng nghề truyền thống nặn tò he Xuân La cho biết: “Thị trường trò chơi dân gian trong những năm gần đây đang dần trở lại với các cháu thiếu nhi. Tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống như nặn tò hè giúp các cháu được trải nghiệm thực tiễn, có tư duy, trí tưởng tượng thông minh và khéo léo hơn. Trung thu năm ngoái, làng nghề chúng tôi không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, một số nghệ nhân phải từ chối lời mời hấp dẫn từ các nơi khác để phục vụ tại những điểm văn hóa quen thuộc cho các cháu thiếu nhi. Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp đủ thời gian và dụng cụ để có thể truyền tải hết nét văn hóa dân gian này tới các bé”.
“Hiện nay, đồ chơi Trung thu Việt với nhiều hàng đẹp, mẫu mã phong phú đang chiếm ưu thế và được lòng các bậc phụ huynh bởi nó mang tính giáo dục và phù hợp với giá trị văn hóa Việt. Trong dịp Trung thu, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng thu hút khá đông cháu nhỏ đến tham gia các hoạt động văn hóa. Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các cháu có thể hòa mình vào nhiều loại hình trò chơi dân gian như: Làm bánh nướng, bánh dẻo, tô vẽ màu, nặn tò he, chơi kéo co… Những hoạt động trên gần gũi, tự nhiên, giúp các cháu rèn luyện sức khỏe, gắn kết tính tập thể, hình thành nhân cách của trẻ”, ông Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bộc bạch.
Theo ông Trọng, trò chơi hiện đại cũng cần thiết, tuy nhiên chúng ta nên tránh những trò chơi bạo lực và nên tìm đến các trò chơi dân gian bởi nó lành mạnh, không tốn kém mà lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Là người Việt Nam, chúng ta cần phải tôn vinh văn hóa truyền thống của quê hương.
Về các biện pháp quản lý mặt hàng đồ chơi dịp Tết Trung thu, ông Nguyễn Trọng Bình - Trưởng phòng Nghiệp vụ, tổng hợp, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết thêm, Tết Trung thu là thời gian hoạt động mạnh của các đối tượng sản xuất, kinh doanh các loại đồ chơi trẻ em có nhiều độc hại. Chính vì vậy, Chi cục đã chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vận chuyển, buôn bán các mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc. Từ nay đến hết tháng 9, Chi cục sẽ bố trí lực lượng phối hợp cùng tổ liên ngành của các quận tăng cường kiểm tra việc kinh doanh đồ chơi, nếu hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không có tem hợp quy sẽ xử lý và buộc tiêu hủy theo quy định”.
Dạo quanh một vòng thị trường đồ chơi dành cho trẻ em mùa Trung thu năm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc người dân quay lưng lại với đồ chơi bạo lực, độc hại là một tín hiệu rất đáng mừng cho thị trường đồ chơi Việt. Hy vọng rằng, không phải chỉ ở mùa Trung thu mà hàng Việt Nam sẽ luôn chiếm lĩnh ưu thế, khẳng định bằng chất lượng và giá trị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.