Trường Đại học Công nghệ GTVT:Phát triển đào tạo nâng cao chất lượng sinh viên

Tác giả: Dương Thùy

saosaosaosaosao
19/11/2016 16:06

Nhiều học sinh, sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp, ra công tác đã trở thành cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ kỹ thuật giỏi, giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong ngành GTVT, của các cơ quan Trung ương và địa phương.

diem-chuan-dai-hoc-cong-nghe-giao-thong-van-tai-20

Chất lượng - Uy tín - Hiệu quả

Là một trong những trường chuyên nghiệp đầu tiên được thành lập dưới chính quyền cách mạng, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã có đóng góp to lớn cho công cuộc kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình xây dựng và phát triển, ở bất cứ giai đoạn khó khăn nào, Nhà trường vẫn kiên trì nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục Nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong 71 năm qua Nhà trường đã đào tạo gần 20 vạn cán bộ kỹ thuật cho ngành GTVT và các ngành kinh tế quốc dân, gần 300 cán bộ kỹ thuật cho 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Nhiều học sinh, sinh viên của Trường đã trở thành cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ kỹ thuật giỏi, giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong ngành GTVT, của các cơ quan trung ương và địa phương.

Trường Đại học Công nghệ GTVT cũng là một trong số ít các cơ sở giáo dục, đào tạo được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Những nỗ lực phấn đấu của các thế hệ thầy và trò Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với nhiều huân chương cao quý và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

PGS.TS. Đào Văn Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm học 2015-2016, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt bậc của tập thể sư phạm Nhà trường, Trường đang dần từng bước khẳng định vị thế uy tín của một trường đại học theo hướng ứng dụng công nghệ trong hệ thống các Trường đại học trong nước và quốc tế.

Trong đó, 95% thí sinh khóa 67 đến nhập học ngay trong đợt 1 xét tuyển đại học vào Trường trong bối cảnh các trường đại học đang phải đối mặt với những thách thức rất to lớn về tuyển sinh 300 học viên đầu tiên trúng tuyển theo học 5 chuyên ngành cao học 90% sinh viên đại học chính quy khóa đầu tiên tốt nghiệp trong đó có 1 em đạt danh hiệu Thủ khoa đầu ra xuất sắc được Thành phố Hà Nội vinh danh; 85% sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi; 01 sinh viên đạt chứng chỉ tay nghề xuất sắc thế giới; 24 sinh viên du học Pháp, Ấn Độ theo chương trình trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài; 05 tân kỹ sư sang làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

“Đó là vài con số hết sức có nghĩa trong năm học vừa qua, là những tín hiệu vui báo hiệu cho một năm học mới tiếp theo và tạo động lực, niềm tin về sự thành công của chiến lược phát triển của Nhà trường trong tương lai”, thầy Đông khẳng định.

Phát triển hài hòa, bền vững

Trước những yêu cầu cấp bách của việc phát triển ngành GTVT và đất nước, trong đó đòi hỏi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày 03/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành GTVT. Trong đó, Trường Đại học Công nghệ GTVT được quy hoạch phát triển trở thành trường đại học trọng điểm Quốc gia vào năm 2020 và trường đại học đẳng cấp khu vực, thế giới trong giai đoạn 2020- 2030. Đây là một vinh dự rất lớn nhưng cũng là một trọng trách rất lớn mà Chính phủ và Bộ GTVT giao cho Nhà trường.

Cụ thể, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Công nghệ GTVT cần đạt được những mục tiêu xây dựng Trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải theo hướng ứng dụng...; phấn đấu đến năm 2020, trở thành trường trọng điểm Quốc gia theo hướng ứng dụng, đến năm 2030 đạt trình độ ngang bằng với các trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới đào tạo về lĩnh vực giao thông vận tải.

Đồng thời, Trường sẽ phát triển trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải...; Phấn đấu đến năm 2030, có 07 lĩnh vực có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam và khu vực, gồm: Công nghệ Vật liệu - Mặt đường; Đường sắt - Metro; Kết cấu công trình; Cơ khí động lực; Logistics và vận tải đa phương thức; Ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động môi trường GTVT; Quy hoạch, quản lý giao thông và giao thông thông minh (ITS).

Và quan trọng nhất là mục tiêu xây dựng Trường trở thành trung tâm hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực GTVT, phát triển mô hình trường liên kết đào tạo với Hiệp hội các Viện đại học Công nghệ của Cộng hòa Pháp- ADIUT... Đồng thời, xây dựng mô hình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học sang làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản và cung cấp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ của Nhà trường trước mắt và lâu dài là hết sức to lớn, mà trước hết là tinh thần đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong toàn thể tập thể sư phạm Nhà trường. Đội ngũ giáo viên phải đổi mới nhận thức, cách làm, phát huy dân chủ, tìm tòi, sáng tạo để có những bước đột phá về xây dựng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, đảm bảo chuẩn đầu ra. Nhà trường cần có đột phá về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ năng lực và trình độ hội nhập trong nước và quốc tế; đột phá về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học và nghiên cứu khoa học để theo kịp tốc độ phát triển của ngành GTVT nói riêng và khoa học công nghệ thế giới nói chung; đột phá về các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Trường phải mang tính ứng dụng, giải quyết được những yêu cầu của thực tế sản xuất và đột phá trong hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học để hội nhập và phát triển. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu cao của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên trong toàn trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận