Trường Đại học Xây dựng: Liên kết đào tạo quốc tế hướng đi chiến lược

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
20/11/2018 14:47

Sứ mạng của Trường Đại học Xây dựng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong những năm gần đây, Nhà trường luôn xác định liên kết đào tạo quốc tế (ĐTQT) là hướng đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng và uy tín. Các chương trình liên kết ĐTQT đã mở ra cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của thế giới, nhờ đó chất lượng đào tạo, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên và sinh viên không ngừng được nâng cao.

3430774e2ebccee297ad_1
 

Hợp tác quốc tế về đào tạo - hướng đi chiến lược

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, Trường Đại học Xây dựng đã xác định hội nhập quốc tế thông qua hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là liên kết ĐTQT với các đối tác uy tín nước ngoài là hướng đi chiến lược trong việc xây dựng Nhà trường trở thành một cơ sở giáo dục hiện đại, một trung tâm hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng.

Để chủ động hội nhập quốc tế, Trường Đại học Xây dựng đã tham gia kiểm định trường bởi Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp và năm 2017 Trường đã trở thành một trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi một tổ chức kiểm định quốc tế uy tín. Trong những năm gần đây, Trường Đại học Xây dựng đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học của các nước tiên tiến trên thế giới như: Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Nga, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...  Đến nay, Nhà trường đã ký hơn 100 biên bản thỏa thuận với hơn 80 trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế… từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới và đã triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo với các đối tác. Hàng năm, Trường Đại học Xây dựng đón hàng trăm lượt đoàn chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, các giáo sư, giảng viên, sinh viên từ nước ngoài đến thăm, làm việc và học tập tại trường. Các hoạt động hợp quốc tế, đặc biệt là liên kết đào tạo quốc tế đã thực sự mang đến một động lực rất tích cực, góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Nhà trường.

Liên kết đào tạo quốc tế - khẳng định vị thế

image005 (1)_1
 


Để cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo, Nhà trường liên tục triển khai nhiều dự án hợp tác với nước ngoài như: Hợp tác với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) mở ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Pháp ngữ (XF) từ năm 1995, ngành Kiến trúc Pháp ngữ (KDF) - năm 2011; Dự án giữa hai Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Pháp về đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) - năm 1999; Dự án hợp tác với Trường Đại học Delft (Hà Lan) về nâng cấp phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ giảng dạy; Dự án với Thụy Sỹ về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ môi trường ở miền Bắc Việt Nam... Bên cạnh đó, Trường Đại học Xây dựng cũng đã phối hợp với các trường đại học quốc tế triển khai nhiều chương trình đào tạo khác nhau như: Đào tạo thạc sỹ; đào tạo đại học; dự bị đại học; đào tạo ngắn hạn; trao đổi giảng viên, sinh viên...,  đơn cử như: Liên kết đào tạo thạc sỹ với Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Liege (Vương quốc Bỉ), Đại học Khoa học Ứng dụng Leipzig (CHLB Đức); liên kết đào tạo đại học theo phương thức chuyển tiếp tín chỉ với Đại học Huddersfields (Anh Quốc) và Đại học Victoria (Úc); liên kết đào tạo dự bị đại học với Đại học Nordhausen (CHLB Đức), Đại học Unimore, Đại học Palermo và Đại học Parma (Italia). Hiện nay, Trường Đại học Xây dựng đang triển khai Dự án liên kết đào tạo bậc đại học theo mô hình 2+2 với Đại học Mississippi (Hoa Kỳ) và dự kiến bắt đầu tuyển sinh từ năm 2019. Bên cạnh đó, nhiều khóa ĐTQT ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ cho giảng viên, sinh viên và các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở Việt Nam cũng đã được tổ chức rất thành công tại Trường Đại học Xây dựng, thu hút hàng nghìn lượt học viên đến từ các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty... trong và ngoài nước tham dự. Một số khóa học tiêu biểu có thể kể đến như: Khóa học về “Quản lý dự án xây dựng” phối hợp với Trường Đại học North Carolina (Hoa Kỳ); Khoá học về “Quản lý hợp đồng xây dựng bằng nguồn tài trợ ODA - Nhật Bản” phối hợp với Tổ chức JICA (Nhật Bản); Khóa học về “Phân tích thị trường chứng khoán và đầu tư bất động sản” phối hợp với Đại học Khoa học Công nghệ Yunlin (Đài Loan); Khóa học về “Xác định độ tin cậy và quản lý rủi ro trong các hệ thống công trình kỹ thuật” phối hợp với các đối tác Nhật Bản…

Song song với các chương trình liên kết ĐTQT, Nhà trường cũng đã đẩy mạnh các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên với các trường đại học của nước ngoài nhằm tạo lập môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng. Các trường đại học, tổ chức nước ngoài có các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên với Trường Đại học Xây dựng có thể kể đến như: Trường Đại học Mairuzu - Nhật Bản, Đại học Thamasat - Thái Lan, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Hàn Quốc, Công ty CJR Renewables Bồ Đào Nha, Đại học Kỹ thuật Madrid - Tây Ban Nha, Đại học ESTP - Pháp, Viện Mỏ Telecom - Pháp, Đại học Sofia - Bulgaria, Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw - Ba Lan… Ngoài ra, Trường Đại học Xây dựng cũng đã đón nhận nhiều sinh viên quốc tế đến thăm quan, học tập tại trường, trong đó sinh viên quốc tế có thể tham gia các khóa học từ 3 tháng đến 01 học kỳ với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Số lượng sinh viên quốc tế (chủ yếu đến từ các nước Pháp, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản...) đến với Trường Đại học Xây dựng ngày càng gia tăng, tập trung nhiều ở các khóa học thuộc các ngành Xây dựng, Kiến trúc, Môi trường, Cầu đường... Điểm đặc biệt là trong những năm gần đây, bên cạnh các lưu học sinh đến từ khu vực Đông Nam Á, các chương trình liên kết ĐTQT thạc sĩ tại Trường Đại học Xây dựng đã thu hút được các sinh viên quốc tế tham dự đến từ Mozambique, Nhật Bản, điều đó đã khẳng định chất lượng và uy tín quốc tế của Nhà trường.

Hợp tác quốc tế đặc biệt là liên kết đào tạo quốc tế đã được xác định là hướng đi chiến lược của Trường Đại học Xây dựng nhằm cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế của Nhà trường. Phát huy những kết quả đã đạt được, Trường Đại học Xây dựng sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ đã được thiết lập và không ngừng mở rộng, tăng cường các chương trình hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới nhằm nâng cao vị thế của Nhà trường, tiếp tục khẳng định là một trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng

Ý kiến của bạn

Bình luận