Học sinh trường Tiểu học Lê Quý Đôn tập thể dục trong lớp học. Ảnh: Thanh Hằng |
Bà Lý Thị Sơn, Hiệu phó trường Tiểu học Lê Quý Đôn, cho biết nhà trường vẫn tổ chức hoạt động dã ngoại xa trung tâm, nhưng sẽ thông báo trước cho phụ huynh. Các tiết học thể dục sẽ diễn ra trong lớp hoặc tại nhà thể chất (tùy nội dung bài học) thay vì ngoài sân như trước đây. Giáo viên sẽ đóng kín cửa và mở điều hòa cả ngày tại phòng học, học sinh vui chơi tại lớp trong giờ ra chơi.
Hiện nhà trường chưa ghi nhận học sinh nào nhập viện hoặc nghỉ học nghi do tác hại của không khí ô nhiễm. "Các biện pháp đang áp dụng chỉ là tạm thời nhưng cần thiết, tốt cho học sinh và nhà trường có đủ cơ sở vật chất để đảm bảo việc điều chỉnh này", bà Sơn nói.
Các hoạt động của trường sẽ trở lại bình thường khi mức độ ô nhiễm tại Hà Nội giảm.
Cùng hệ thống với Tiểu học Lê Quý Đôn, trường Phổ thông liên cấp Việt - Úc Hà Nội (khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) cũng triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe học sinh, gồm hoãn các trận đấu ngoài trời, dừng việc tập thể dục buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ lớp học.
Cùng ngày 30/9, trường Tiểu học Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) thông báo chuyển các tiết học thể dục vào nhà thể chất. Thường vào buổi sáng, trường sẽ mở cửa sổ các lớp cho thoáng đến khoảng 9h thì bật điều hòa. Tuy nhiên, những ngày gần đây, do ô nhiễm không khí kéo dài, trường đã cho học sinh vào lớp học, đóng kín cửa và mở điều hòa ngay từ 7h sáng.
Nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh bố trí đón con sớm, sau khi kết thúc giờ học (15h40) và câu lạc bộ ngoài giờ (17h30), tránh để các bé ở lại đợi, chơi trong sân trường và tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Mai cho biết thêm, trường đã đặt mua thiết bị theo dõi, cảnh báo ô nhiễm không khí (Pam Air) để thông báo tình hình tại trường cho phụ huynh và thầy cô giáo, dự kiến sẽ lắp đặt xong trước ngày 5/10.
Từ giữa tháng 9 đến nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội luôn dao động quanh mức từ trung bình đến kém (từ 51 đến dưới 200).
8h ngày 26/9, bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual xếp Hà Nội ở vị trí số 1 (chỉ số AQI luôn trên 200 - mức xấu), ngay sau là Jakarta (Indonesia) và TP HCM. Ngày 30/9, mức độ ô nhiễm không khí của thành phố lúc 4h là 385 - cao nhất trong khoảng một tháng trở lại đây.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng không khí ở Hà Nội từ ngày 12 đến 29/9 (18 ngày), chỉ số bụi PM2.5 (loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) liên tục cao hơn 50 - ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.