Phương tiện lướt siêu vượt âm của Trung Quốc được thử nghiệm trong hầm tạo gió. Ảnh: SCMP. |
Tờ China Times và nhiều tờ báo khác của Trung Quốc hôm 22/1 đồng loạt tuyên bố tên lửa siêu vượt âm DF-17 của nước này có thể đánh chìm hoàn toàn tàu sân bay Mỹ với chỉ 8 loạt phóng. Truyền thông nước này còn khẳng định "sát thủ diệt tàu sân bay" DF-17 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và đủ sức đánh trúng mọi mục tiêu trên thế giới, trừ Mỹ, trong chưa đầy một giờ.
China Times còn dẫn nhận định của một chuyên gia quân sự Trung Quốc rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây không thể theo dõi hay đánh chặn DF-17. Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự phương Tây nhận định truyền thông Trung Quốc đã "nói hớ" về năng lực thực sự của DF-17, theo Popular Mechanic.
Chuyên gia Kyle Mizokami cho rằng với tầm bắn thực tế khoảng 1.700-2.400 km và không được trang bị động cơ tăng tầm, DF-17 chỉ là loại tên lửa tầm trung, khó có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên thế giới.
Ngoài ra, việc báo chí Trung Quốc tung hô tầm bắn "toàn cầu" của DF-17 nhưng lại "ngoại trừ Mỹ" cũng được cho là khó hiểu, bởi về lý thuyết, mọi vũ khí siêu vượt âm có tầm bắn toàn cầu đều có khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Mizokami nhận định nếu 8 quả DF-17 bắn trúng tàu sân bay Mỹ, hàng không mẫu hạm khổng lồ này có thể bị chìm, nhưng việc tìm kiếm, theo dõi tàu sân bay Mỹ để xác định mục tiêu trên Thái Bình Dương rộng lớn lại là vấn đề khác hẳn.
Theo ông, Trung Quốc sẽ phải huy động mạng lưới đông đảo chiến hạm, vệ tinh và máy bay với liên lạc thông suốt để cung cấp tọa độ tàu sân bay Mỹ cho các đơn vị vận hành tên lửa DF-17. Tọa độ này cũng phải được thu thập và truyền đi theo thời gian thực, bởi tàu sân bay Mỹ liên tục di chuyển trên biển.
Mỹ nhiều khả năng sẽ ngăn chặn khả năng theo dõi, xác định mục tiêu của Trung Quốc bằng cách gây nhiễu thông tin liên lạc qua vệ tinh, lập vòng bảo vệ nhiều lớp nhằm bắn hạ máy bay trinh sát hoặc đánh chìm tàu do thám tìm cách tiếp cận tàu sân bay Mỹ.
DF-17 được Trung Quốc quảng bá là tổ hợp vũ khí siêu vượt âm có thể lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn hơn Mach 5, gây khó khăn cho đối phương khi đánh chặn. Tuy nhiên, Mizokami chỉ ra rằng tốc độ di chuyển và uy lực thực tế của DF-17 chưa từng được kiểm chứng trên chiến trường.
Trung Quốc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm DF-17 vào tháng 11/2017 và có thể được quân đội nước này đưa vào biên chế trong năm 2020. Đây là loại vũ khí được đánh giá có uy lực tấn công cao hơn tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D và DF-26 đang trong biên chế của quân đội Trung Quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.