Sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đã chính thức nằm trong danh mục ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện sau khi Quốc hội chính thức bỏ phiếu thông qua vào ngày 22/11.
Tại Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2 vào sáng 22/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 với số phiếu thuận chiếm 83,16%.
Như vậy, với việc được Quốc hội thông qua, ngành, nghề sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô đã chính thức được bổ sung vào danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017. Việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề này sẽ được Chính phủ quy định.
Trước đó, Bộ KH&ĐT đã đề nghị bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện gây nên khá nhiều tranh cãi trong thời gian qua trước khi Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Đầu tư mới.
Nhiều thông tin cho rằng, việc áp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện có thể sẽ gây khó cho một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ý kiến từ các cơ quan quản lý nhà nước và đa số các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất ô tô vào danh mục này không có nghĩa là cản trở doanh nghiệp và không hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp mà là ra điều kiện, ai đáp ứng được thì kinh doanh.
Nguyên nhân bởi ô tô là sản phẩm công nghệ phức tạp, đòi hỏi sự an toàn cao và liên quan đến tính mạng của nhiều người. Và việc áp điều kiện kinh doanh là để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng trong việc bảo dưỡng, bảo hành sản phẩm nếu xảy ra sự cố.
Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Bộ KH&ĐT cũng cho biết: Việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà còn cho cả quốc gia. Cụ thể, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ, yên tâm về chất lượng xe và dịch vụ bảo hành, góp phần an toàn cho chủ xe và người tham gia giao thông. Ở góc độ doanh nghiệp, quy định sẽ minh bạch hóa điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thêm đó, việc đưa ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện cũng phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 46 liên doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng. Cũng theo số liệu thống kê từ Bộ KH&ĐT, ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng 2% cho GDP và dự kiến đến năm 2030 sẽ là khoảng 5% GDP của cả nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.